Về đối tượng nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, cần bổ sung đối tượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy viên UB MTTQ các cấp. Đồng thời, việc tặng huy hiệu, kỷ niệm chương giao cho MTTQ địa phương và các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức thành viên Mặt trận quy định và trao tặng.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dangcongsan.vn.
"Công bằng, công khai phải đặt lên hàng đầu" là khẳng định của các đại biểu tại Hội nghị góp ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì hội nghị.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng bao gồm 8 chương và 86 điều. Trong đó, có quy định chung; nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; các hình thức, đối tượng tiêu chuẩn khen thưởng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; hành vi vi phạm, xử lý hành vi vi phạm...
PGS-TS Trần Hậu – nguyên Giám đốc Trung tâm lý luận UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, yêu cầu đặt ra cho Nghị định này là phải có những quy định chi tiết theo tinh thần đổi mới để thực hiện tốt luật Thi đua, khen thưởng. Theo đó, Nghị định cần áp dụng cho mọi công dân Việt Nam và mọi tổ chức có tư cách pháp nhân, mọi người nước ngoài và tổ chức quốc tế có tham gia vào hoạt động hợp tác nhằm phát triển nước Việt Nam, không nên có sự phân biệt theo từng loại tổ chức, đối tượng khác nhau.
Cùng với đó, ông Trần Hậu cho rằng cần có quy định về quỹ thi đua khen thưởng, trong đó nhấn mạnh về quy định những người lao động trực tiếp. Mặt khác, hiện nay có nhiều nơi sử dụng quỹ Thi đua, khen thưởng cắt xén, sai mục đích. Do đó, cần phải có quy định công khai hóa quỹ để ngăn chặn những phần tử lạm dụng vào việc riêng.
Đồng thời, theo ông Trần Hậu phải có sự đổi mới trong nguyên tắc khen thưởng theo hai yếu tố chính. Đó là, nguyên tắc ưu tiên để chọn ra một cách chính xác những cá nhân, tổ chức xứng đáng trong việc chọn những đối tượng có phương pháp tốt để đạt thành tích và ưu tiên chọn những đối tượng cần được xã hội giúp đỡ nhiều hơn do đặc thù của họ. Thêm vào đó, người đứng đầu đơn vị, khi xét khen thưởng cần căn cứ vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ và kết quả mà người đó đóng góp xây dựng tổ chức đó.
“Muốn đổi mới công tác Thi đua, khen thưởng, phải đặt lên hàng đầu nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai. Nguyên tắc này phải được quán triệt xuyên suốt các chương của Nghị định. Phải làm rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong công tác Thi đua, khen thưởng”, ông Trần Hậu kiến nghị.
Đối với công tác Thi đua, khen thưởng của khối MTTQ và các tổ chức thành viên, ông Đỗ Duy Thường- nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật kiến nghị cần quy định rõ những quy định có tính nguyên tắc về thi đua, danh hiệu thi đua, tiêu chí danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng.
Về đối tượng nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, cần bổ sung đối tượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy viên UB MTTQ các cấp. Đồng thời, việc tặng huy hiệu, kỷ niệm chương giao cho MTTQ địa phương và các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức thành viên Mặt trận quy định và trao tặng.
Liên quan đến việc trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, ông Nguyễn Tiến Võ- Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào, cho rằng, cần thêm khoản 4 trong điều 33 về MTTQ có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chính xác thành tích trong công lao xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là đối tượng là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. MTTQ phối hợp với Chính phủ để hiệp y trình Chủ tịch nước cấp Huân chương Đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, để thấy được trách nhiệm vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định, trên cơ sở này, ban soạn thảo sẽ tổng hợp và sửa đổi dự thảo để đảm bảo việc ban hành Nghị định khắc phục được những hạn chế tồn tại.