Tại Tờ trình số 97/TTr-BTC gửi Thường trực Chính phủ về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn còn tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc giảm 50% LPTB sẽ tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng tiêu thụ và đăng ký nên số thu LPTB, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thể tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thực tế số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TPHCM (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương). Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Đồng thời, chính sách giảm 50% LPTB sẽ tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể áp dụng ngắn hạn trong điều kiện năm 2021-2022 phần lớn các nước đều chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và cũng có nhiều điều chỉnh chính sách đặc thù. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện trong năm 2023 thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc điều chỉnh chính sách này như một khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tiếp tục gửi các yêu cầu, khiếu nại.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù Việt Nam chưa nhận được khiếu kiện nào của các nước, nhưng đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ các quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài chính, thời điểm năm 2020 và năm 2022, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính trình Thường trực Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.