ĐBQH đề xuất các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt để xử lý khi xảy ra sự cố cháy.
Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dẫn chứng từ tình hình thực tế thời gian qua xuất hiện khá nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến nhóm nguyên nhân chập điện và hàn xì, liên quan đến các quán karaoke và vũ trường, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị, những nội dung này liên quan đến các nhóm này cần được rà soát chặt chẽ để đảm bảo ngăn ngừa công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Theo ông Thành, các vụ cháy hiện thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay thì rất khó tiếp cận để chữa cháy. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy bởi thực tế hiện nay chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy. Trong khi đó chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời.
Ông Thành đề xuất các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.
ĐB Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) cũng quan tâm và đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng vì nhiều chung cư cao tầng đã sử dụng từ lâu, hạ tầng xuống cấp dễ xảy ra cháy nổ.
Theo bà Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo. Do đó, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Bà Luyến đánh giá kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra. Cho nên để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra thì cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.
Theo đó, bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. “Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra”-bà Luyến nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, xem xét bổ sung một khoản quy định UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin về danh sách các cơ quan, tổ chức thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan Công an trên địa bàn xã, kèm theo điện thoại đường dây nóng và địa chỉ liên hệ để người dân biết và lựa chọn nơi gần nhất để báo cháy, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cần thiết.
ĐB Trần Đình Chung (Đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng dự thảo chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của các bên liên quan trong quá trình thi công gồm: chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế.