Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản phúc đáp công văn số 62 của Bộ Công thương đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, xăng dầu là mặt hàng liên quan mật thiết tới an ninh năng lượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và đời sống của nhân dân. Việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế.
Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị lựa chọn phương án tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của DN kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có sở điều chỉnh kịp thời. Điều này đảm bảo phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của Nhà nước, lợi ích của DN và người dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.
Về thời gian điều hành và công bố giá, Bộ KH&ĐT không ủng hộ phương án 10 ngày, 7 ngày mà đề nghị Bộ Công thương phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành phù hợp, tránh xảy ra hiện tượng như thời gian vừa qua.
Về quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ KH&ĐT thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương là lựa chọn phương án không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của DN; đồng thời đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất.
Cụ thể, cơ quan nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Theo Bộ KH&ĐT, quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nhiều thời điểm đã không phát huy hiệu quả nên Nhà nước phải dùng các công cụ khác như giảm thuế bảo vệ môi trường.
Liên quan đến vấn đề chiết khấu xăng dầu, vào đầu tuần trước trong cuộc hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN bán lẻ đã lên tiếng mạnh mẽ.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, đại diện nhóm DN bán lẻ xăng dầu cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu hiện nay khiến DN bán lẻ cực kỳ khó khăn. Mấu chốt là làm sao xây dựng được nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế. Theo ông Tây, nếu không có chiết khấu thì không thể đảm bảo được thị trường xăng dầu ổn định, DN bán lẻ không có lãi thì không thể duy trì kinh doanh. Vì thế, nghị định sửa đổi cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, cần chia 3 khâu rõ ràng: đầu mối, phân phối và bán lẻ.
Theo các DN, nếu thua lỗ kéo dài, 9.000 cửa hàng bán lẻ buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh. Khi đó, chuỗi cung ứng trên toàn quốc đứt gẫy trên 50% ảnh hưởng lớn đến đời sống và nền kinh tế.
Về quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ KH&ĐT thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương là lựa chọn phương án không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của DN. Cơ quan nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Theo Bộ KH&ĐT, quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nhiều thời điểm đã không phát huy hiệu quả nên Nhà nước phải dùng các công cụ khác, như giảm thuế bảo vệ môi trường.