Là dự án đê được đầu tư cả nghìn tỷ, nhưng chỉ sau 3 năm, tuyến đê tả sông Hoàng Long đã xuống cấp nghiêm trọng. Phía dưới chân đê, các bãi cát không phép đua nhau hoạt động.
Trên đê nứt toác
Theo tìm hiểu, tuyến đê tả sông Hoàng Long có chiều dài gần 25km chạy qua địa bàn 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan (Ninh Bình). Đây là tuyến đê trung ương, có nhiệm vụ ngăn lũ cho hàng chục nghìn người dân địa phương. Sau trận lũ lịch sử vào năm 2017, Trung ương và UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê tả Hoàng Long. Dự án đã hoàn thành và bàn giao cho đơn vị quản lý từ năm 2017 với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, xuyên suốt chiều dài 25km trên toàn mặt đê xuất hiện rất nhiều các vết nứt lớn, chạy dài chia cắt phần đường làm đôi. Tại xã Gia Trung (huyện Gia Viễn) đặc biệt xuất hiện các vết nứt rộng từ 10-20 cm, sâu từ 30-50cm tạo thành rãnh rộng kéo dài cả trăm mét. Quan sát trong vài giờ, có rất nhiều xe máy và xe đạp bị “dính” lại bởi vết nứt. Với xe đạp thì bánh xe lõm sâu, còn với xe máy thì bánh xe lún vừa tới. Trên toàn tuyến đê, rất nhiều các biển báo cấm xe tải trọng lớn và các trụ bêtông ở hai bên. Tuy nhiên, rất nhiều trụ bê tông đã bị đập vỡ, cùng với đó là rất nhiều xe quá tải chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm.
“Tuyến đê này mới đưa vào dùng được vài năm nhưng xuống cấp nhanh quá. Lúc họ đổ vật liệu lên trên, tôi và nhiều người thấy các khối bê tông ở dưới có rãnh nứt sẵn rồi. Cộng với xe tải chạy hàng trăm lượt suốt ngày đêm thì không lún sao được. Thấy nhiều vết nứt to quá, nên dân xung quanh phải tự đổ vật liệu để chèn vào, không là đi nguy hiểm lắm”, chị Trần Thị Soi, 38 tuổi, người dân thôn Điềm Khê, xã Gia Trung cho biết.
Ngoài mặt đê, phần thân và dưới chân đê cũng có dấu hiệu của sự sụt lún.
Dưới đê bến bãi rầm rộ hoạt động
Phía dưới chân đê tại xã Gia Trung có một số bãi cát, bãi vật liệu xây dựng, xưởng đóng tàu đang rầm rộ hoạt động. Theo người dân địa phương, các bãi tập kết này là của các hộ: Hà Minh Tiện (thôn Đông Khê), Trần Văn Tuấn và Trần Văn Quản (thôn Điềm Khê). Tìm hiểu được biết, các bãi tập kết này đều hoạt động không phép, trong đó, bãi của ông Hà Minh Tiện vừa mới dừng hoạt động, tại bãi chỉ còn chút cát sỏi và máy móc hoen gỉ đang dãi nắng, dầm mưa. Hai bãi còn lại của ông Tuấn và con trai ông Quản thì vẫn hoạt động bình thường cả chục năm nay, bất chấp không có giấy phép.
Phía bên trong bãi tập kết, chủ bãi bố trí những chiếc cẩu điện dài gần chục mét, có hệ thống dây cáp và gàu múc vươn xuống những chiếc thuyền chở cát từ nơi khác đến. Tại các điểm tập kết xa, các chủ bãi còn đào luôn cả hệ thống lạch nối từ bãi ra sông để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào cung cấp cát. Để thuận tiện cho xe ra vào “ăn” cát, sỏi, vật liệu xây dựng đưa đi tiêu thụ, các chủ bãi đã san luôn sườn đê để làm đường đi. Trong quá trình di chuyển, hàng trăm lượt xe lớn nhỏ ra vào mỗi ngày gây ảnh hưởng tiêu cực tới mặt đê. Ngoài các bãi tập kết không phép, thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều tàu thuyền cỡ lớn đang tu sửa, neo đậu ngay sát chân đê, cản trở dòng chảy thoát lũ của sông Hoàng Long.
Trao đổi với ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND xã Gia Trung, vị này thừa nhận: 2 bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng đã hoạt động không phép gần chục năm, đã lập biên bản tới 5 lần nhưng các chủ bãi vẫn không tuân thủ quy định của pháp luật.
Về vấn đề đoạn đê tả sông Hoàng Long đi qua xã bị nứt toác trầm trọng, ông Công cho rằng, việc này phần nhiều là do xe quá tải gây nên. “Nhiều trụ bê tông bị phá không rõ nguyên do, vì vậy nên các xe quá tải vẫn chạy ầm ầm trên mặt đê. Lái xe thì họ có nhiều cách lách luật, thẩm quyền của xã không thể xử lý nổi, vì vậy phải báo cáo lên huyện, phối hợp với CSGT để giải quyết”, ông Công phân trần.