Chính trị

Để nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả cao nhất

H.Vũ 20/01/2024 08:04

Cả 4 nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

anh-bai-tren(1).jpg
Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV. Nguồn: quochoi.vn

Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng. Sau 3,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Và có lẽ quyết định mang tính lịch sử chính là việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), đáp ứng sự mong mỏi và nguyện vọng của cử tri cả nước. Cũng là bởi, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thì Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chính là nội dung được cử tri đề cập đến nhiều nhất.

Phải nói rằng, trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, chưa có luật nào trải qua “quy trình đặc biệt” như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội (thông thường một dự án luật được thông qua trong 2 kỳ họp). Chưa kể đến, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến thì UBTVQH đã tổ chức 2 hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của UBTVQH để cho ý kiến. Điều này thể hiện sự cẩn trọng, đề cao chất lượng của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, đồng thời cũng cho thấy tư duy và phương pháp làm việc đổi mới, quyết liệt hành động của Quốc hội với tầm nhìn và sự chuẩn bị kỹ càng “từ sớm, từ xa” - điều mà nhiều lần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Vì thế, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngay hôm khai mạc kỳ họp; sau đó dành thời gian để các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, tiếp thu ý kiến.

Ngay trước khi các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định: Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu Quốc hội nào phát biểu thêm.

Như vậy có thể thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đồng nghĩa với việc Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, phải kể đến có sự đóng góp trí tuệ rất lớn của MTTQ Việt Nam cùng các cơ quan trong huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước. Bởi trước nhiệm vụ quan trọng ấy, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc của kỳ họp: “Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Chính sách đặc thù vì người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia quy định về 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/1/2024 (có hiệu lực thi hành ngay từ lúc Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua) cho đến khi có quy định mới.

Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với cơ chế đặc biệt này sẽ thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hàng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Đây được coi như một sự “cởi trói” cho địa phương trong tổ chức thực hiện để đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi thời gian thực hiện dự án chỉ còn 2 năm nữa (2024 và 2025). Nếu không được đẩy nhanh tiến độ thì đối tượng thụ hưởng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ bị thiệt thòi trong thụ hưởng chính sách, không được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ khi thời gian thực hiện chương trình đã “dần về đích”. Như nhiều lần, tại phiên họp của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương từng nhấn mạnh đây là điều mà cử tri và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất mong đợi.

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

Không để xảy ra tình trạng Luật chờ văn bản hướng dẫn

anh-bai-duoi.jpg

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), trong quá trình xem xét sửa đổi Luật Đất đai Quốc hội đã xem xét sửa đổi một số luật có liên quan đến Luật Đất đai như: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đấu thầu: Luật Đầu tư (sửa đổi). Như vậy đã xem xét để sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật.

Sau khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, cùng với các luật có liên quan cũng vừa được thông qua sẽ tạo một hành lang pháp lý chắc chắn và thuận lợi, thống nhất đối với quản lý đất đai, và sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Riêng Điều 190 và Điều 248 của luật có hiệu lực thi hành từ 1/4/2024. Điều đó đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan có liên quan cần tích cực khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). Nếu không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thì dù chúng ta có sửa đổi và thông qua Luật đi chăng nữa thì “vướng mắc vẫn hoàn vướng mắc”. Bởi câu chuyện chậm ban hành văn bản hướng dẫn không phải là câu chuyện mới, đã xảy ra và có rất nhiều Luật dù đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

V.Thắng

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đồng nghĩa với việc Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, phải kể đến có sự đóng góp trí tuệ rất lớn của MTTQ Việt Nam cùng các cơ quan trong huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả cao nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO