Trong khi giá thu mua lúa vụ vừa qua tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức thấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì giá thành đầu tư cho sản xuất tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tái sản xuất vụ Đông Xuân 2021.
Tại Kiên Giang, trong vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 kế hoạch gieo trồng là hơn 283.000 ha, với sản lượng dự kiến đạt 2,1 triệu tấn. Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), điều mong mỏi của nông hộ trong lúc này là được hỗ trợ kéo giảm chi phí sản xuất.
“Chúng tôi rất mong các bộ ngành Trung ương có giải pháp kéo giảm giá phân bón và quản lý giá cả, chất lượng các loại giống vật tư nông nghiệp nói chung” - ông Toàn nói.
Còn tại Cần Thơ, dự kiến xuống giống gieo trồng 76.290 ha lúa trong vụ này. Thành phố đang hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuẩn bị nguồn giống và thực hiện các giải pháp chủ động giảm chi phí.
Trong khi đó, tại Hậu Giang, để sản xuất lúa Đông Xuân 2021-2022 hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh này đã vận động các nông hộ sử dụng phân bón hợp lý trong điều kiện giá phân bón tăng cao như hiện nay. Để giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón vẫn rất cao, cộng với tình hình khó khăn của dịch Covid-19, tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng phối hợp nhằm có giải pháp hỗ trợ, cụ thể hóa phương pháp bình ổn giá phân bón để nông dân sản xuất lúa.
Trong vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2021, toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo trồng 1,52 triệu ha với sản lượng dự kiến 11 triệu tấn, tăng 35.200 tấn so cùng kỳ. Tuy nhiên, điều mong mỏi của các nông hộ là kéo giảm được giá thành sản xuất lúa khi mà “bão giá” phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng cho đến hết năm 2021.
Hiện giá thành bình quân trong vụ sản xuất lúa Hè Thu 2021 vừa qua đã đạt 3.713 đồng/kg, tăng 222 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm 2020 và là mức giá thành sản xuất cao nhất trong 3 năm trở lại đây ở ĐBSCL. Việc tăng giá thành sản xuất lúa có nguyên do chính từ việc tăng mạnh giá phân bón (chiếm 21 - 22% trong giá thành) và tăng giá thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 15 - 17% trong giá thành).
Ngoài ra, gánh nặng của giá thành còn phải kể đến các chi phí về giống, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển, bao bì, thuê nhân công lao động… Điều đáng nói là với giá thành sản xuất tăng cao như vậy nhưng giá lúa giảm khoảng 25% nên có nhiều nông hộ e ngại, chưa có kế hoạch tái đầu tư sản xuất cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
Với tình hình tăng giá phân bón như vậy, nông dân ở ĐBSCL mong muốn làm thế nào để giảm được giá thành sản xuất lúa cho vụ Đông Xuân này? Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các nông hộ nên giảm giống lúa nhằm giảm các chi phí về sau, giúp giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Bởi vì công lao động cũng chiếm tới 25% và giống chiếm khoảng 10% trong giá thành sản xuất lúa.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong sản xuất lúa ở cấp nông hộ thì người nông dân vẫn đang sử dụng lãng phí phân bón và các vật tư đầu vào khác. Để giảm giá thành cho vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 ở ĐBSCL, rất cần cấp nông hộ thay đổi tư duy về sử dụng phân bón và vật tư đầu vào, nhất là cần có những sáng kiến thúc đẩy giảm sử dụng vật tư đầu vào nhưng vẫn quản lý tốt quá trình sản xuất lúa.
Tại tỉnh Hậu Giang, để sản xuất lúa Đông Xuân đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên nhân rộng các gói kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”,… nhằm giảm giá thành. Với phương pháp “3 giảm, 3 tăng”, tức là giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả. Còn với “1 phải, 5 giảm” là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận.