Ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… những giá trị lịch sử luôn là chất liệu quý để các nhà sản xuất mang đến những “siêu phẩm” không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Tại Việt Nam, mảng đề tài này chưa phát huy được thế mạnh, chưa thực sự ghi dấu ấn.
Chưa tạo dấu ấn
Trong những năm qua, nền điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, dường như dòng phim lịch sử chưa ghi được nhiều dấu ấn khi ra mắt công chúng. Mới đây, bộ phim “Huyền sử vua Đinh” đã phải nhận “trái đắng” và lập một “kỷ lục” buồn khi chỉ đạt doanh thu 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu. Tác phẩm khai thác chủ đề lịch sử, kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước nhưng với mức đầu tư hạn hẹp, đạo diễn non tay và kịch bản sơ sài, bộ phim đã bị mờ nhạt ngay khi công chiếu.
Trước đó, nhiều bộ phim về đề tài lịch sử cũng phải nhận kết quả tương tự khi nhận sự thua lỗ và cả những chỉ trích từ khán giả. Năm 2018, phim “Thiên mệnh anh hùng” của Victor Vũ đã phải chịu lỗ 10 tỷ đồng dù đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước. 2 bộ phim “Khát vọng Thăng Long” và “Long thành cầm giả ca” dù được giới nghệ thuật khen ngợi song cũng không có khán giả. Năm 2014, tác phẩm “Sống cùng lịch sử” do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, với mức đầu tư vài chục tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng khán giả khi ra rạp. Cùng thời điểm, bộ phim “Đam mê” do Hãng Phim truyện 1 thực hiện cũng “ế ẩm” vì vé bán không có người mua.
Nhìn nhận về bức tranh phim lịch sử nước nhà, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, các nhà làm phim thường áp dụng chung công thức cũ nên nội dung phim cứ na ná nhau. Lịch sử dân tộc ta là “cái nôi” của nhiều đề tài hấp dẫn, nhân văn..., nhưng khi lên màn ảnh, cách kể của từng phim vẫn thiếu cá tính, hấp dẫn, thiếu sự đổi mới để tạo dấu ấn mạnh mẽ. Không ít nhà làm phim đi theo lối mòn, quen với quy trình làm phim theo kế hoạch được đầu tư, khai thác lại những câu chuyện đã được xã hội tiếp nhận. Chưa kể, phim về lịch sử thường được đặt hàng cho nên nhiều bộ phim thiếu sự nghiên cứu và đầu tư.
Nỗ lực nâng tầm
Có một nghịch lý là một bộ phận người trẻ Việt còn thuộc Sử bạn hơn Sử ta. Điển hình như việc dù môn Lịch sử đã được giảng dạy suốt 12 năm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không nhớ lịch sử nước nhà, trong khi có hiểu rõ lịch sử thế giới. Không những vậy, phần lớn các phim lịch sử, chiến tranh cách mạng đều do Nhà nước đặt hàng. Những phim này thường được đầu tư “khủng”. Thế nhưng, nội dung vẫn chủ yếu là tuyên truyền mà thiếu tính hấp dẫn và tính nghệ thuật.
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển hiện nay, dư luận xã hội kỳ vọng dòng phim lịch sử sẽ được nhen nhóm, khơi dậy sức hút với khán giả. Hàng loạt dự án vừa chính thức được khởi động với sự tham gia của những đạo diễn “mát tay”. Mới đây, Công ty Cổ phần phim truyện I chính thức khởi quay bộ phim “Đào, phở và piano” do NSƯT Phi Tiến Sơn viết kịch bản và làm đạo diễn. Bộ phim do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đặt hàng khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân thủ đô. Mặc dù chưa ra mắt, nhưng phim đã nhận được nhiều “điểm cộng” khi đầu tư một phim trường quy mô. Để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 đến đầu 1947, đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Sau hơn 5 tháng thi công, với đội ngũ thiết kế, sản xuất là những người dạn dày kinh nghiệm từng tham gia trong nhiều bộ lịch sử, chiến tranh, một phim trường khá quy mô đã hoàn thành. Đó là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn... đậm nét không khí lịch sử. Bên cạnh đó, phim có sự tham gia của dàn diễn viên “ăn khách” hiện nay như Doãn Quốc Đam, NSƯT Trần Lực, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), NSND Trung Hiếu...
Ngoài ra, dòng phim lịch sử của Việt Nam cũng đã và đang ghi bước tiến “chậm mà chắc” của nhiều nhà làm phim. Có thể kể đến “Phượng khấu”, “Huyết rồng”, “Trưng Vương”, “Quỳ hoa nhất dạ”… Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, xu hướng làm phim lịch sử chủ yếu là tự phát nên sẽ khó bền. Làm phim lịch sử nếu là tư nhân thì phải là tập đoàn lớn hoặc là chủ trương, chiến lược văn hóa của cả quốc gia. Khi đó, sự đầu tư, quản lý, nguồn kinh phí từ Nhà nước sẽ góp phần tạo ra một dòng phim lịch sử mang tính chính quy và bền vững hơn. Hiện nay vì là tự phát nên nếu không có đam mê, các bạn trẻ rất khó có thể theo đuổi đường dài.
NSND Đào Bá Sơn:
Làm phim lịch sử trăm bề khó
Các hãng phim tư nhân bỏ vốn ra làm phim nên phải tìm đến những đề tài giải trí hợp thị hiếu với mong muốn thu hồi vốn sớm, lợi nhuận cao, do đó làm phim lịch sử với họ là khá mạo hiểm. Chúng ta không thể trách họ được. Làm phim lịch sử trăm bề khó. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, thì các nhà làm phim lịch sử vẫn đang gặp phải một số phản biện quá khắt khe họ dễ nản chí, không dám bỏ tiền đầu tư. Quả thực, không phải ai cũng làm được phim lịch sử vì những đòi hỏi về kiến thức, nghiên cứu và ý tưởng phải hết sức tỷ mỷ, kỹ càng ở các giai đoạn lịch sử. Bởi vậy, để cải thiện tình hình này, Nhà nước cần phải đặt hàng sản xuất với ngân sách nhà nước 100% hoặc chí ít 70%. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần phải có chế độ khen thưởng thích đáng đối với các nhà làm phim tư nhân khi họ mạnh dạn bỏ vốn ra làm phim về đề tài này và thành công. Nếu Nhà nước không bỏ tiền đầu tư thì cần có chế độ khuyến khích họ làm.