Cuối tuần qua, Bệnh viện Nhi trung ương cho hay, bệnh nhi (SN 2007, ở xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mắc Whitmore đang điều trị đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột. Đây là một trong hai bệnh nhân mắc Whitmore đang điều trị tại bệnh viện này.
Bệnh nhi mắc bệnh Whitmore tử vong vào đêm 12/11, trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi nhập viện vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát trong tình trạng nặng; phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay, trẻ tiếp tục được thở máy, duy trì vận mạch, sử dụng IVIG, tiến hành lọc máu, xét nghiệm tìm căn nguyên.
Mẫu cấy máu ngay từ khi vào viện đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei vào ngày 3/11/2022. Các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị shock nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore. Được biết, 2 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, bé trai đi học về và bị dầm nước mưa. Sau đó sốt cao liên tục 4 ngày, ho, nổi sẩn ban kèm đau tức ngực phải, đau bụng phải vào viện cấp cứu.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương cũng cho biết, Bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp khác mắc Whitmore là bé trai 10 tuổi (SN 2012, ở tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Đến thời điểm này, các tổn thương khu trú của bệnh nhi có khả năng kiểm soát dễ hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vi khuẩn B. pseudomallei gây bệnh Whitmore sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Một số thống kê cho thấy, tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Đa số bệnh nhân là nông dân, tuổi từ 50-70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi khi nhập viện.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9-11. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng (bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...). Bệnh khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Cục Y tế dự phòng dự báo trong thời gian tới trên cả nước sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc Whitmore ở nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Để phòng ngừa bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.