Sức khỏe

Đề phòng ngộ độc thực phẩm sau Tết

Đức Trân 21/02/2024 12:30

Sau Tết, nhiều gia đình rơi vào tình trạng phải cố ăn nốt những thực phẩm còn dư thừa do tích trữ từ trước. Tuy nhiên, việc bảo đảm thực phẩm chưa đúng cách có thể gây ra nguy cơ ngộ độc.

anh-bai-chinh(1).jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Ảnh: BVCC.

Ngộ độc thực phẩm thường đến từ 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…).

Do tác nhân gây độc rất đa dạng, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá phong phú. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày.

TS. BS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, chính thói quen tích trữ thực phẩm để ăn Tết rồi cố sử dụng nốt là một trong các nguyên nhân khiến số người mắc rối loạn tiêu hóa, ngộ độc tăng lên. Cùng với đó, việc để lẫn thức ăn sống – chín trong tủ lạnh đã có nguy cơ nhiễm khuẩn, thực phẩm lại bảo quản lâu ngày càng có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cao hơn.

BS Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng, những ngày sau Tết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm do người dân sử dụng đồ ăn đã bị nấm mốc là rất cao.

Bánh chưng là một ví dụ. Đây là món ăn ngon và bổ dưỡng, nhưng nếu đã bị chua, mốc, ăn vào sẽ nguy hiểm. Do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng nên bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, vì vậy bánh chưng để lâu dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh. Đáng sợ là một số loại nấm mốc tiết ra độc tố cho người ăn. Vì vậy, cần cảnh giác với bánh chưng mốc. Không sử dụng bánh chưng mốc nhiều, chua, vữa, đắng… Bên cạnh đó, dù đã được tiệt khuẩn trong quá trình chế biến, thế nhưng nếu để lâu, bảo quản kém thì các loại bánh ngọt, mứt sẽ dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là loại bánh kem và các loại mứt. Những loại thực phẩm này khi đã bị hỏng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Theo BS Tiến, hiện nay khoa học đã chứng minh nếu ăn phải những thức ăn nhiễm nấm mốc cũng có thể mắc bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở dạng ngộ độc cấp tính, nhưng phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.

“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, tuy khác nhau nhưng ít nhiều đều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố nấm đều độc, mức độ độc của chúng cũng khác nhau, vì vậy khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây bệnh không giống nhau. Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… những độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo nguy hiểm như: ung thư gan, suy thận, ung thư buồng trứng...” – BS Tiến thông tin.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng (so với đặc trưng của thực phẩm), hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì dù có phải tiêu hủy vẫn ít tốn kém hơn là phải chịu các chi phí khắc phục hậu quả do chính nó gây nên.

Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do ăn phải độc tố của vi nấm, cần áp dụng các biện pháp đề phòng, không mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc như: lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt... Không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố vẫn còn lại bên trong.

Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn… để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc. Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng ngộ độc thực phẩm sau Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO