Sức khỏe

Đề phòng uốn ván sau lũ lụt

Dương Toàn 26/09/2024 07:00

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch do uốn ván. Theo đó, bệnh nhân N.V.K. (52 tuổi, ở xã Quảng châu, TP Hưng Yên) được Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên chuyển đến với chẩn đoán mắc uốn ván.

duoi.jpg
Điều trị bệnh nhân mắc uốn ván. Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Qua khai thác tiền sử được biết, đầu tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, nước từ thượng nguồn đổ về khiến địa phương ông K. sinh sống thuộc xã Quảng Châu (TP Hưng Yên) bị ngập lụt. Ông K. cùng những người dân tham gia xây đắp tường phòng lũ. Trong quá trình xây đắp, ông gặp tai nạn nhỏ ở mu bàn chân phải do bị viên gạch rơi vào chân. Ông tự xử lý, băng bó vết thương và không tiêm phòng uốn ván.

6 ngày sau, ông K. xuất hiện tình trạng khó há miệng tăng dần, khó nuốt, bụng cứng. Đến ngày 16/9, ông K. vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên khám và điều trị bệnh với chẩn đoán mắc uốn ván. Nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, đến ngày 23/9, ông K. được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán mắc bệnh uốn ván trong tình trạng tăng trương lực cơ không kiểm soát, miệng cứng, chỉ há được 1,5cm. Vết thương ở mu bàn chân phải của ông K. có kích thước nhỏ 0,5cm, miệng khô, đóng vảy, không bị sưng hay viêm mủ.

BS Trương Tư Thế Bảo - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Bất cứ ai cũng có thể mắc uốn ván. Bệnh không phân biệt tuổi tác, giới tính, đặc biệt là những ai chưa có miễn dịch chống vi khuẩn uốn ván, ví dụ như những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván hay không tiêm mũi nhắc của vaccine.

Nguyên nhân mắc uốn ván thường do bị trầy xát và viết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ... , xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván…

Bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 21 ngày. Cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nói chung, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.

BS Bảo chia sẻ thêm: Điều trị uốn ván phải mất ít nhất vài tuần. Bệnh nhân được tiêm huyết thanh điều trị uốn ván để xử lý độc tố ở trong máu. Những độc tố gắn vào tế bào thần kinh phải để cơ thể tự đào thải. Chính vì thế, với những người dân khi có các vết thương tiếp xúc thường xuyên với môi trường bẩn như bùn đất, nước bẩn, môi trường chăn nuôi gia súc… thì nên đi tiêm phòng uốn ván định kỳ 5 năm/lần vì các vi khuẩn uốn ván sẽ ủ bệnh trong các vết thương và tiến triển thành bệnh.

Đặc biệt, BS Bảo nhấn mạnh, trong mưa lũ, nhất là giai đoạn sau lụt, môi trường không được vệ sinh do đủ loại chất thải khiến vi khuẩn uốn ván và nha bào có điều kiện phát tán và gây bệnh. Những người dân, người lao động, các chiến sĩ, lực lượng cứu hộ ở vùng lũ lụt dễ bị thương do xây xát, chảy máu, đây là nguyên nhân thường gây ra các bệnh nguy hiểm như uốn ván.

Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, viêm phổi, co thắt thanh quản, động kinh, thuyên tắc phổi, suy thận nặng (suy thận cấp) thậm chí tử vong.

Chi phí điều trị ở bệnh nhân uốn ván khá tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể từ 2 tuần đến 3, 4 tháng điều trị.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.

Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử… Tất cả mọi người đều có thể tránh được rủi ro về sức khỏe do uốn ván bằng việc tiêm phòng vaccine. Việc tiêm phòng vaccine uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng uốn ván sau lũ lụt