Mặc dù là tuyến đê xung yếu, nhưng nhiều năm trở lại đây, tuyến đê tả sông Chu dài hơn 10 km thường xuyên phải gánh chịu những đoàn xe quá khổ, quá tải qua lại mỗi ngày. Hậu quả là nhiều đoạn thân đê bị xé đôi, nứt toác, phần mặt đê bị bong tróc, gãy vỡ… Thực trạng này đang khiến người dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của tuyến đê lắng khi mùa mưa bão đã bắt đầu.
Nỗi lo đê vỡ
Có mặt trên tuyến đê tả sông Chu, đoạn chạy từ thị trấn Vạn Hà đến xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng đoàn xe trọng tải lớn chở bê tông, cát đá chạy rầm rộ qua đây. Tại nhiều khúc cua tay áo, thậm chí các tài xế còn không cho xe giảm tốc độ, đánh lái “làm xiếc” trên đê. Phía dưới, phần mặt đê được đổ bê tông kiên cố nhiều đoạn đã bị xé toác, vỡ vụn.
Gặp chúng tôi khi đang dừng và nép xe bên đê để tránh đoàn xe bồn chở bê tông chạy xuôi về phía hạ lưu, anh Hoàng Đình Chức, một người dân sinh sống tại xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa không giấu được sự bức xúc: Thực trạng xe quá tải tung hoành trên tuyến đê đã kéo dài suốt nhiều năm qua, nhưng không thấy bất cứ hoạt động kiểm soát nào của lực lượng chức năng. Chính sự buông lỏng quản lý này đã tạo điều kiện cho các xe chở vật liệu xây dựng quá tải phá nát cả tuyến đê.
“Bất đắc dĩ, mỗi khi có việc quan trọng ra thị trấn thì tôi mới đi trên đê vì nó rất nguy hiểm. Các lái xe tải chạy ẩu lắm, họ không hề có ý định nhường đường cho bất cứ phương tiện nào qua lại. Song nỗi lo lớn hơn đó là nguy cơ vỡ đê trước mỗi mùa mưa bão về”, anh Chức lo lắng nói.
Theo quan sát của chúng tôi, các đoạn bị hư hỏng nhiều nhất chủ yếu tập trung ở xã Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Hợp và Thiệu Thịnh. Mặc dù ngay tại thị trấn Vạn Hà - điểm đầu tuyến được các cơ quan chức năng dựng một barie hạn chế chiều cao, tải trọng, nhưng sự tồn tại của barie này gần như chỉ có “để cho vui” mà không phát huy được bất kỳ công năng nào.
Thanh chắn hạn chế chiều cao bị bẻ cong, các xe “hổ vồ’, xe bồn trọng tải lớn vẫn có thể vô tư qua lại mà không gặp phải bất kỳ sự cản trở nào. Cũng theo nhiều người dân sinh sống dọc tuyến đê cho biết, ngoài những yếu tố như xe quá tải gây ra thì một nguyên nhân chính nữa là chất lượng thi công gia cố mặt đê trước đó ít năm kém chất lượng.
Hết cách?
Nói về những nguyên nhân và hệ lụy khi tuyến đê bị hư rơi vào thảm cảnh như hiện tại, ông Trịnh Đình Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa cho biết, hiện dọc tuyến đê sông Chu dài hơn 10km nói trên có tới 3 mỏ cát và nhiều bãi tập kết cát đang hoạt động.
Thêm vào đó, tại xã Thiệu Hợp và Thiệu Thịnh còn là vùng trồng các loại cây nguyên liệu như ngô, mía rộng khoảng 20ha của Công ty Mía đường Lam Sơn…, đây là những tác nhân dẫn đến lưu lượng xe quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông trên mặt đê, gây hư hỏng cho toàn tuyến đê như đã nói ở trên.
“Tuyến đê tả sông Chu, đoạn chạy qua xã có tổng chiều dài khoảng 4 km. Tình trạng hư hỏng, xuống cấp như hiện tại đã tồn tại suốt 4 năm trở lại đây. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên chính là sự thờ ơ của các cơ quan quản lý. Đã rất lâu rồi chúng tôi không thấy bóng dáng của bất cứ đoàn kiểm tra nào về ghi nhận thực tế và có phương án bảo vệ tuyến đê. Chính quyền và người dân tại các xã nằm trong vùng bảo vệ của con đê đều rất lo lắng. Nếu không có biện pháp duy tu, bảo dưỡng lại tuyến đê kịp thời, chỉ cần một trận lũ lớn, kéo dài xảy ra, chắc chắn con đê sẽ không đủ sức để gồng mình, chống chọi với thiên tai”, ông Tình nói.
Có chung mối lo khi tuyến đê sông Chu chạy qua xã nằm trong tình trạng xuống cấp, ông Lê Hữu Hoàn, Phó Chủ tịch xã Thiệu Thịnh cũng cho rằng: “Cái chính là do phần mái đê đã rất yếu sau khi phải chống chọi với các đợt mưa lũ và chịu đựng các xe trọng tải lớn chạy qua. Trước thực trạng trên, nhân dân, các cán bộ lão thành trong xã đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị chính quyền có biện pháp khắc phục, gia cố cho con đê. Xã cũng đã nhiều lần làm tờ trình, gửi lên trên, nhưng đến nay vẫn không có hồi âm. Hết cách rồi, có lẽ phương án khả dĩ nhất hiện nay của chúng tôi là… chờ đợi!”.