99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết sau bão số 3 (Yagi)… Đây là thống kê mới nhất từ các địa phương gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bão số 3 ập đến ngay sau khi năm học mới 2024 - 2025 chỉ vừa bắt đầu, những buổi tới trường của không ít học sinh bỗng thành dang dở.
Sau khi bão tan, nhiều địa phương bị ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão đã sớm huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào ngày 16/9. Dẫu thế, cho đến nay vẫn còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết. Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa (SGK) của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được.
Hiện ngành giáo dục các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang… đều đang nỗ lực, quyết tâm khắc phục hậu quả do mưa bão để học sinh sớm được trở lại trường. Tuy nhiên, tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), còn khoảng 43 trường học dự kiến tới ngày 23/9 học sinh mới có thể đi học trở lại, vì công tác khắc phục hậu quả bão lũ còn quá gian nan.
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục các địa phương bị thiệt hại nặng nề lúc này là vừa đảm bảo tiến độ thời gian năm học 2024 - 2025, vừa khẩn trương khắc phục cơ sở vật chất. Đặc biệt là yêu cầu khẩn trương xây mới trường lớp ở những nơi bão lũ phá hỏng hoàn toàn. Trong đó, sự trợ giúp của các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm trong lúc này là điều vô cùng đáng quý.
Để thầy trò sớm được trở lại trường sau bão, nhằm chia sẻ những khó khăn với các địa phương, những ngày qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ổn định lại hoạt động dạy và học tại các địa bàn bị ảnh hưởng do bão. Bộ GDĐT yêu cầu chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn; chỉ đạo các nhà xuất bản sẵn sàng nguồn cung ứng SGK tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão.
Cùng đó, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng bão thực hiện điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đối với những gia đình giáo viên và học sinh có người thân tử vong, mất tích hoặc bị thương, địa phương tiếp tục triển khai mức hỗ trợ tài chính tùy theo mức độ thiệt hại.
Trước mắt, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học - là đề xuất của Bộ GDĐT với MTTQ Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục. Đồng thời cần tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.