Nhận định về đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 do Bộ GDĐT công bố sáng 22/3, các giáo viên của Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, cấu trúc và nội dung của các đề thi tương đối ổn định so với đề thi tốt nghiệp THPT 2023.
Đối với môn Toán, thầy Lưu Huy Thưởng – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá: Đề thi Tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn mang cấu trúc ổn định. Về nội dung và phạm vi kiến thức, đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi Tốt nghiệp THPT những năm gần đây. Các câu hỏi trong đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (khoảng 90%) và khoảng 10% thuộc chương trình lớp 11. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 đều là các dạng quen thuộc mà học sinh đã được làm quen và tiếp cận thuộc các chủ đề dãy số, tổ hợp, xác suất, góc và khoảng cách trong không gian. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12 trải đều 7 chủ đề của chương trình: Hàm số, Mũ và lôgarit, Nguyên hàm, tích phân, Số phức, Khối đa diện, Khối tròn xoay, Hình học giải tích trong không gian.
Về độ khó của đề thi: Độ khó tương đương với đề tốt nghiệp năm 2023. Trong đó 38 câu đầu tiên là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu. Học sinh chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết; 5 câu hỏi cuối mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề Mũ và lôgarit, Số phức, Ứng dụng tích phân, Hàm số, tích hợp Khối tròn xoay và hình học giải tích trong không gian; Các câu hỏi vận dụng – vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi chính thức hoặc đề thi của các trường, các Sở GD ĐT (như giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm lôgarit, cực trị của hàm số, min – max môđun số phức…). Nhưng để có thể hoàn thành trọn vẹn bài thi trong thời gian cho phép đòi hỏi học sinh cần rất thành thạo các kiến thức và kỹ năng làm bài (tính toán, biến đổi, sử dụng máy tính để tính toán,...). Theo đó, học sinh cần lưu ý, các câu hỏi thuộc phần vận dụng cao giữa đề tham khảo và đề thi thật có thể thay đổi về dạng toán và độ khó. Vì vậy, với những học sinh đặt mục tiêu 9+ đề tốt nghiệp, ngoài việc luyện tập chăm chỉ với các dạng bài trong đề tham khảo thì cũng cần mở rộng phạm vi với các dạng toán vận dụng cao khác, không có trong đề tham khảo.
Theo thầy Thưởng, việc ổn định về hình thức đề, phạm vi kiến thức. Đặc biệt là ổn định về cấu trúc, với 10% vận dụng cao- phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và một phần xét tuyển vào các trường ĐH.
Đối với môn Ngữ văn, cô Vương Thúy Hằng – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích, đề thi tham khảo giữ nguyên cấu trúc 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn, các câu hỏi đi kèm ngữ liệu không thay đổi về số lượng. Đặc biệt ở phần Làm văn (7 điểm), đề tham khảo cũng giữ nguyên cấu trúc đề thi với 2 câu hỏi để đánh giá kiến thức, kỹ năng của thí sinh trong việc viết đoạn văn nghị luận xã hội và viết bài văn nghị luận văn học.
Từ việc phân tích đề tham khảo cô Hằng cho rằng, cấu trúc, ngữ liệu và nội dung hỏi trong đề thi tương đối quen thuộc, không hề khó, nếu có quá trình ôn luyện tốt, nắm vững các yêu cầu về việc đọc – hiểu văn bản văn học, kỹ năng viết bài văn nghị luận các thí sinh dễ dàng đạt được 7,5 – 8,25 điểm.
Đối với học sinh sinh năm 2006, đây có lẽ là sự thuận lợi vì các em sẽ không quá lo lắng cho kì thi tốt nghiệp mà có thể dành nhiều thời gian hơn cho những kì thi tuyển sinh, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang được triển khai.
Đối với học sinh sinh năm 2007, nhiều bạn mong muốn có thể tham khảo đề thi này (kết hợp với đề minh học cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 được công bố trước đây) để bắt đầu hình dung về quá trình ôn tập của mình thì hãy chú ý tới yêu cầu quan trọng khi làm bài chính là dung lượng bài viết. Trong chương trình học ở nhóm bài học về kỹ năng viết, các em được luyện tập viết bài văn nhưng đề thi chỉ yêu cầu viết đoạn văn; vì vậy, cần đặc biệt lưu tâm tới hình thức và cách triển khai ý để tránh lan man, sai yêu cầu dẫn tới mất điểm khi làm bài.
Đối với môn Ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh, các giáo viên Tổ Tiếng Anh – Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá, đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh. Trong đó có khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng nâng cao, thành ngữ và đọc hiểu. Các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai… là các kiến thức quen thuộc, xuất hiện nhiều trong chương trình học THPT lớp 12, tuy nhiên câu hỏi về thành ngữ vẫn là câu hỏi để lấy điểm cao (câu 11, 17, 25), yêu cầu học sinh cần có vốn từ phong phú.
Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập. Với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, thí sinh nắm chắc sách giáo khoa có thể đạt 7-8 điểm. Với các thí sinh mong muốn đạt mức 9-10 điểm để xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH top đầu, thí sinh cần có vốn từ vựng và thành thạo các phạm trù khó như từ vựng và đọc hiểu.
Đổi mới cách ra đề thi
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo chươngtrình GDPT năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của chương trình GDPT 2018.