Một trong những nội dung quan trọng trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là tập huấn đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho thư viện câu hỏi thi theo hướng mở.
Tại văn bản mới nhất do Bộ GDĐT ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024 - 2025, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ yêu cầu tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và Sở GDĐT trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Các Sở GDĐT cần xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi đến các cấp cơ sở; tổ chức góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi và chủ động đánh giá tác động tại địa phương.
Đặc biệt, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT tiếp tục tập huấn giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho thư viện câu hỏi thi theo hướng mở để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Nhằm trang bị năng lực ra đề cho giáo viên, theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ (GDĐT), hiện Bộ đã và đang triển khai tập huấn giáo viên cả nước; đồng thời kết hợp hỗ trợ công tác ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong nhà trường.
Về những thay đổi trong cách thức xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Chương cho hay: Theo cấu trúc định dạng đề thi đã được công bố, các môn thi trắc nghiệm có một số thay đổi như: Bổ sung thêm 2 dạng thức trả lời trắc nghiệm mới bên cạnh dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng; cách thức tính điểm có một số thay đổi tại dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới. Những thay đổi này giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò khi làm bài. Điều này góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực của các thí sinh dự thi và phân hóa được điểm thi.
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm có tính kế thừa từ Chương trình GDPT 2006, đồng thời cũng bảo đảm lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, có tính đến việc học sinh chỉ học chương trình mới ở 3 năm cấp THPT, chưa khép kín trọn 12 năm theo Chương trình GDPT 2018. Cùng đó, đề thi bám sát chương trình và tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, hoặc học thuộc tài liệu có sẵn một cách máy móc; đồng thời bảo đảm công bằng khi học sinh học các sách giáo khoa khác nhau. Đề thi có sự phân loại theo các cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi với nhiều mục tiêu. Trong đó, yêu cầu học sinh phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế, bối cảnh được cung cấp.
Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên trong dạy và học, ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cấu trúc, định dạng đề thi được Bộ GDĐT công bố từ tháng 3/2024, giúp học sinh và giáo viên có cả năm học lớp 12 (năm học 2024 - 2025) để ôn tập, tiếp cận với cấu trúc định dạng đề thi mới. Sắp tới sẽ tập trung xây dựng, thí điểm diện rộng và công bố đề thi tham khảo và có thể sử dụng ổn định cho nhiều năm.
Trước thềm năm học 2024 - 2025, đối với cấp trung học, Bộ GDĐT lưu ý khi ra đề kiểm tra cần bám sát cấu trúc, định dạng để đánh giá học sinh. Quá trình dạy học và thiết kế đề kiểm tra phải tuân thủ và thực hiện đúng quy trình, từ xác định đúng mục đích của đề, lựa chọn bối cảnh phù hợp để học sinh vận dụng kiến thức đã học khi xử lý các tình huống thực tiễn trong đời sống. Bộ nhấn mạnh, sẽ sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị tốt cho công tác ôn thi.
Thời gian qua, Bộ GDĐT đã chủ động tổ chức tập huấn cho khoảng 2.500 giáo viên các môn học của 63 tỉnh/thành phố về xây dựng câu hỏi thi. Tính đến nay, Bộ đã nhận được các câu hỏi do giáo viên từ 63 Sở GDĐT xây dựng gửi về và khẩn trương triển khai các bước tiếp theo, mời chuyên gia, giáo viên đánh giá chất lượng tất cả câu hỏi này. Từ đó, có thể giúp tạo thư viện đề thi có tính mở và được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương để lựa chọn câu hỏi tốt đưa vào ngân hàng câu hỏi thi (có tính chuẩn hóa theo quy trình khảo thí).