Kết thúc các môn thi KHTN, KHXH trong ngày 7/8, nhận định của các giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 ở mức tương đương so với đợt 1.
Đối với môn Lịch sử, cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định như sau:
Về mặt kiến thức, đề thi môn Lịch sử bao phủ rộng nhưng chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, có một số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 phần lịch sử Việt Nam tuy nhiên rất cơ bản, không khó để trả lời. Thậm chí có những câu hỏi học sinh chỉ cần đọc kĩ, tinh ý một chút, dùng phương pháp loại trừ là có thể chọn lựa được đáp án đúng.
Đề thi có một số câu hỏi buộc học sinh phải hiểu rõ các giai đoạn lịch sử mới trả lời được. Tuy nhiên, so với đề thi đợt 1 thì đề thi đợt 2 có nhiều câu hỏi ở mức độ Thông hiểu hơn.
Tổng quan có thể thấy đề thi đợt 2 bảo đảm được mục tiêu của một kì thi 2 trong 1: vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Đề cũng phù hợp và tạo điều kiện cho thí sinh đợt 2 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.
Với bài thi môn Vật lí, các giáo viên Tổ Tự nhiên – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định như sau:
Đề thi TN THPT môn Vật lí gồm gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GDĐT đã công bố. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển ĐH.
Tương tự như đề thi đợt 1, 90% số câu hỏi trong đề thuộc chương trình lớp 12; 10% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 75 % số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu; 15% số câu ở mức độ Vận dụng; 10% số câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao. Đề thi có 45% (18 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 55% (22 câu) số câu hỏi lí thuyết. Các câu hỏi lí thuyết tăng nhẹ về độ khó so với các năm trước.
Đề thi Tốt nghiệp THPT môn Vật lí lần 2 có tỉ lệ Nhận biết-Thông hiểu/ Vận dụng-Vận dụng cao trong đề thi là 75%/25%, cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tham khảo TN THPT 2021 mà Bộ GDĐT đã công bố ngày 30/3/2021, tương tự như đề thi Tốt nghiệp THPT 2020, và giảm về yêu cầu/mức độ so với đề thi đợt 1. Đề thi không có câu hỏi mới lạ và có tính chất liên chuyên đề, có độ khó giảm nhẹ ở vùng câu hỏi Thông hiểu và Vận dụng so với đề thi Tốt nghiệp THPT lần 1. Do đó, học sinh ở mức trung bình khá có thể dễ dàng đạt điểm số từ 7-8 điểm, đảm bảo tốt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, độ khó của các câu hỏi thuộc vùng Vận dụng – Vận dụng cao đáp ứng mức độ phân hóa vừa đủ để phục vụ cho các trường ĐH, CĐ lấy căn cứ tuyển sinh.
Với bài thi môn Hóa học, các giáo viên Tổ Tự nhiên – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định như sau:
Môn thi thành phần vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.
92,5% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 12; 7,5% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70 % số câu hỏi (28 câu) ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu; 22,5% số câu (9 câu) ở mức độ Vận dụng; 7,5% số câu hỏi (3 câu) thuộc mức độ Vận dụng cao. Đề thi có 27,5% số câu hỏi (11 câu) là bài tập tính toán, 72,5% số câu hỏi (29 câu) là câu lí thuyết. Đề thi không xuất hiện câu hỏi thuộc dạng bài mới. Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.
So với đề thi đợt 1, tỉ lệ câu hỏi lí thuyết/câu hỏi tính toán và tỉ lệ câu thuộc lớp 11/lớp 12 có sự khác nhau không đáng kể. Số lượng câu hỏi đơn giản (thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu) phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT không có sự thay đổi nhiều (khoảng 28-30 câu). Số lượng câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao phục vụ mục đích sử dụng kết quả làm căn cứ giúp các trường ĐH tuyển sinh đầu vào có sự thay đổi 1 chút. Cụ thể, số câu vận dụng trong đề lần 2 tăng lên (3 câu) và số câu vận dụng cao giảm xuống (1 câu) nhưng đề không xuất hiện câu hỏi mới, lạ. Sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến độ công bằng giữa hai lần thi, tức là đề lần 1 và đề lần 2 có độ khó tương đương nhau.