Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, sắp tới sẽ đề nghị các trường đại học (ĐH) tăng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo Vụ Giáo dục ĐH, (Bộ GDĐT), hiện có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau được các trường ĐH sử dụng để xét tuyển đầu vào. Trước đó, ở mùa tuyển sinh năm 2023, kết quả thi tốt nghiệp vẫn là phương thức chiếm tỉ lệ thí sinh nhập học cao nhất.
Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh của nhiều trường ĐH, đặc biệt là các trường top trên đang ngày càng giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này. Đơn cử như phương thức xét tuyển ĐH năm 2025 mới được Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn 15%.
Trong vòng 5 năm gần đây, tỉ lệ chỉ tiêu trường dành cho phương thức xét tuyển này đã giảm rất mạnh, từ hơn 70% xuống còn 15%. Đây cũng là xu hướng của nhiều trường khác như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội hay cả trường top giữa như ĐH Giao thông vận tải. Nguyên nhân của việc này, theo lãnh đạo các trường, là do đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng đến mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đã giảm độ phân hóa so với trước đây.
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, mức độ khó dễ của đề thi tốt nghiệp THPT 2024 ở các môn năm nay không có nhiều biến động. Môn Ngữ văn được nhận xét là cách ra đề cũ và không mang tính đột phá; môn Toán được nhận xét là khó, có độ phân hóa cao. Bài thi tổ hợp cơ bản vẫn như mọi năm, đa phần là kiến thức cơ bản, không đánh đố. Từ đó, các chuyên gia cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không có quá nhiều biến động, được dự báo tương đương như năm 2023.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực hiện 3 mục tiêu: Xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục trên diện rộng và từ đó có chiến lược cho từng vùng miền, nhất là với các vùng miền còn nhiều khó khăn; là căn cứ tin cậy để các trường ĐH xét tuyển sinh đầu vào. Kết quả thống kê thời gian qua cho thấy khoảng 45-60% chỉ tiêu xét tuyển vào ĐH vẫn sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm của kì thi tốt nghiệp THPT. Ông Chương khẳng định, đề thi tốt nghiệp sẽ càng lúc càng hướng tới đánh giá năng lực người học, có sự phân hóa cao. Theo đó, các trường ĐH hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Theo Bộ GDĐT, các trường ĐH thực hiện tự chủ tuyển sinh và hiện vẫn có khoảng 65% chỉ tiêu tuyển sinh được xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, giúp giảm tốn kém cho xã hội, đặc biệt là giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện đi lại hay tham gia vào nhiều cuộc thi khác nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển ĐH.
Liên quan đến những băn khoăn về đề thi Ngữ văn, cùng những tin đồn lộ đề thường xuất hiện nhiều hơn những môn khác, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chắc chắn sẽ khác với kỳ thi năm 2024 (năm cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006). Do chương trình mới thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) nên ngữ liệu sử dụng trong đề thi môn Ngữ văn có thể nằm trong các SGK khác nhau hoặc hoàn toàn mở, nằm ngoài SGK. Theo ông Thưởng, mục tiêu của Chương trình GDPT năm 2018 hình thành cho học sinh phẩm chất và năng lực, chứ không phải hướng tới thuộc bài trong sách. Việc này sẽ hạn chế được việc học tủ, học lệch, thậm chí hạn chế được cả việc đoán đề hay văn mẫu.
Về lộ trình thực hiện, Bộ GDĐT cho biết giai đoạn 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính thì sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.