Tinh hoa Việt

Để việc phân bổ nguồn lực cứu trợ hiệu quả, minh bạch

CẨM THÚY 06/10/2024 14:53

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với 26 tỉnh, thành phố, ngày 23/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nhấn mạnh nguyên tắc trong việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ là: Kịp thời, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch trực tiếp đến người thụ hưởng.

1(2).jpg
Khu tái định cư thôn Kho Vàng (Lào Cai) được khởi công xây dựng.

Con số hơn 1.700 tỷ đồng tài khoản Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã nhận được cho đến thời điểm này là sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước. Nói như Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: “Đây là những khoản tiền ủng hộ mang nặng nghĩa tình của đồng bào, đồng chí cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.” Có được nguồn lực như vậy đã là việc khó, việc quý. Cho đến nay Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã phân bổ hai đợt tới các địa phương với số tiền 1.035 tỷ đồng. Nhưng câu chuyện phân bổ trực tiếp đến người dân lại không phải là việc dễ dàng. Trách nhiệm đang đặt ra rất nặng nề đối với việc phân bổ cụ thể ở từng địa phương, nhất là ở cấp cơ sở. Tại cuộc họp trực tuyến với 26 tỉnh thành, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã khẳng định: “Chúng ta phải có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không lãng phí và không để xảy ra tiêu cực.”

Khi những trang sao kê đầu tiên về số tiền ủng hộ của đồng bào được công khai, một làn sóng “check var” lan truyền trên mạng xã hội. Để thấy áp lực về công khai minh bạch đang rất lớn. Công khai số tiền ủng hộ mới chỉ là một vế, công khai số tiền phân bổ sẽ là một trách nhiệm còn lớn hơn nữa. Trách nhiệm này đang đặt trọng trách lên vai các địa phương, có lẽ khó khăn nhất sẽ là cấp cơ sở. Những trưởng thôn, những trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư vất vả suốt thời gian qua vì trực tiếp chống bão lụt ở địa phương. Nhưng giờ đây họ còn vất vả hơn nhiều với công việc phân bổ nguồn cứu trợ.

Truyền thống của người dân Việt Nam là “lá lành đùm lá rách” là “tương thân tương ái”, “chia ngọt sẻ bùi”. Nhưng trong dân gian lại cũng có câu “mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia phần”. Cao hơn nữa là “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Từ nguồn cứu trợ nếu việc phân bổ không hợp lý công bằng thì vừa không phát huy được hiệu quả, vừa nảy sinh tâm tư của người dân ở từng thôn, từng xóm, từng làng.

Từ nguồn phân bổ của Ban Cứu trợ Trung ương, việc của các địa phương hiện nay là đảm bảo cứu trợ vừa nhanh nhất, kịp thời nhất lại vừa công khai, minh bạch hiệu quả. Trong đợt khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 này, có thể thấy tâm trạng chung của xã hội là tin tưởng vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nguồn lực ủng hộ đồng bào bị bão lụt tăng lên mỗi ngày. Cho nên giờ đây niềm tin của xã hội tiếp tục được trông cậy vào quá trình phân bổ cứu trợ từ Trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã, từ xã đến thôn làng, khu dân cư và đến tận tay người dân. Một quá trình mà Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đang đặt ra như một mệnh lệnh: Quá trình phân bổ cứu trợ từ Trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã cũng sẽ được thực hiện công khai, minh bạch; khi xã phân bổ đến người dân, hộ dân thì lập danh sách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại trụ sở UBND xã.

Cũng như Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh đến 4 nguyên tắc trong việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ: Thứ nhất, phân bổ hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Thứ hai, việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch trực tiếp đến người thụ hưởng. Thứ ba, Ban Vận động Cứu trợ các tỉnh, thành phố không hỗ trợ trùng lặp. Theo đó, một người không được hưởng 2 lần/1 nội dung hỗ trợ (Khi sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước thì không dùng nguồn lực vận động ủng hộ để hỗ trợ). Thứ tư, bám sát nội dung Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về phân bổ nguồn lực hỗ trợ, cần tập trung ưu tiên: Hỗ trợ gia đình có người chết, người mất tích, người bị thương theo đúng văn bản hướng dẫn; Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân bị mất nhà, mất tài sản. Đối với những người mất toàn bộ tải sản, không có nguồn thu nhập thì khuyến khích hỗ trợ tối đa trong 3 tháng theo mức 15kg gạo/người/tháng; Hỗ trợ thuốc và khám chữa bệnh đối với những người không có thu nhập; Hỗ trợ làm nhà ở cho những hộ dân bị sập đổ, thiệt hại hoàn toàn, nhà ở bị hư hỏng nặng, hộ phải sửa chữa về nhà ở; Hỗ trợ cho học sinh nghèo khó khăn do ngập lụt mất hết sách vở, dụng cụ học tập; Hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, thông qua việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.

Về định mức hỗ trợ, đối với nhà sập đổ hoàn toàn, mức hỗ trợ tối thiểu là 50 triệu đồng/hộ, bằng với mức xây dựng nhà đại đoàn kết đang triển khai. Đối với việc hỗ trợ sửa chữa nhà ở, mức tối thiểu là 25 triệu đồng/hộ.

“Mức hỗ trợ cụ thể do Ban Vận động Cứu trợ tỉnh phối hợp UBND tỉnh và xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ và thông báo với HĐND biết để giám sát trong quá trình thực hiện”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ mặt trận xã, thôn, khu dân cư sau những thảm họa thiên tai, cùng họ đi cứu trợ người dân, chúng tôi hiểu khó khăn vất vả của cán bộ cơ sở vào thời điểm này. Trần mình với công việc cứu trợ trong mưa bão, giờ đây trách nhiệm của họ là thống kê đầy đủ và đảm bảo đề xuất mức hỗ trợ hợp lý hợp tình, công bằng và minh bạch. Trong thực tế đã không ít lần ở cơ sở, không phải không có chuyện nhà này nhà kia trong thôn trong xóm có chuyện tị nạnh so sánh, không phải không có chuyện nhà bị thiệt hại ít hơn được hỗ trợ nhiều hơn.

Công nghệ thông tin khiến việc giám sát của dư luận xã hội đối với mọi vấn đề dễ dàng hơn, sâu sát hơn. Nhưng đồng thời điều này cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc thực hiện trách nhiệm trước cộng đồng ở bất cứ công việc gì. Với cứu trợ cho đồng bào lũ lụt áp lực càng lớn hơn rất nhiều vì nguồn lực là sự đóng góp của cả cộng đồng.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã có lần nói với chúng tôi rằng khi năm đầu tiên khởi xướng Ngày vì người nghèo, ông đã nói như một lời thề rằng không để thất thoát một đồng tiền nào mà người dân đã đóng góp để hỗ trợ người nghèo. Cứu trợ bão lụt lần này cũng vậy, trách nhiệm của những người làm công tác mặt trận đang thật nặng nề.

Về thời gian tiếp nhận ủng hộ, theo Nghị định số 93/2021, sau 90 ngày kể từ ngày phát động, Ban Vận động Cứu trợ từ Trung ương đến địa phương sẽ đóng tài khoản tiếp nhận ủng hộ, chậm nhất là đến ngày 31/12/2024 các địa phương sẽ tiến hành phân bổ xong nguồn lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để việc phân bổ nguồn lực cứu trợ hiệu quả, minh bạch