Tinh hoa Việt

Để Việt Nam trở thành ‘phim trường thế giới’

PHƯƠNG LIÊN 19/07/2024 09:36

Việt Nam tự hào với nhiều thắng cảnh đẹp. Nhưng làm gì để cảnh đẹp đó “bước vào” những bộ phim điện ảnh, nhất là những bộ phim bom tấn? Làm cách nào để nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới?...

phim.jpg
Phim "Kong: Skull Island" là một trong những bom tấn Hollywood từng ghi hình ở Việt Nam, lấy bối cảnh ở hang Sơn Đoòng ở Phong Nha (tỉnh Quảng Bình), khu du lịch Tràng An, Tam Cốc (tỉnh Ninh Bình) và Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Những câu hỏi đó một lần nữa được đặt ra, và thu hút sự luận bàn, kiến giải của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo “Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển” vừa diễn ra ở Đà Nẵng, trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ hai (DANAFF II).

Những kinh nghiệm từ quốc tế

Thái Lan được lấy làm ví dụ tiêu biểu để cho thấy đất nước này đã có sự xoay trục mạnh mẽ, đồng thời cũng hưởng lợi ngay lập tức từ những chính sách “mở cửa” đối với các đoàn làm phim quốc tế.

Cụ thể, từ năm 2017, khi Thái Lan bắt đầu áp dụng rộng rãi các biện pháp thu hút nhà làm phim như hoàn thuế 15-20%, đến tháng 3/2023, có 49 dự án quốc tế quay ở Thái Lan, trong đó 33 dự án được hoàn tiền, 12 dự án đang thực hiện. Nhiều tác phẩm được khán giả chú ý như Fast & Furious 9 (2019), Da 5 Bloods (2019), Ms. Marvel (2022), The Creator (2023). Hiện có ba tác phẩm quay tại đây sắp được ra mắt, gồm Alien: Romulus (công chiếu vào tháng 8), Jurassic World và phần ba series The White Lotus (2025).

Ông Sirisak Koshpharashin - đại diện Liên đoàn Quốc gia các hiệp hội làm phim Thái Lan, cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và Thái Lan có một số nét tương đồng, trong đó nổi bật là bối cảnh tự nhiên phù hợp với phim Hollywood và các nước. Tuy nhiên, nhà làm phim quốc tế ưu tiên đến Thái Lan hơn so với các nước trong khu vực vì có nhiều ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn. Khi các nhà làm phim quốc tế đến quay phim, họ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh nước sở tại đến thế giới.

“Sau khi một bộ phim chiếu tại Trung Quốc, ngành du lịch Thái Lan đã đón đến gần 1 triệu du khách Trung Quốc. Họ coi Thái Lan là điểm đến du lịch. Hãy tin tôi, Việt Nam cần phải tiến nhanh hơn nữa”, ông Koshpharashin nhấn mạnh.

Ông Koshpharashin cho biết từng kiên trì thuyết phục chính phủ Thái Lan trong nhiều năm để các chính sách ủng hộ điện ảnh đi vào hoạt động. "Đừng nghĩ đến những thứ nhà nước phải chi trả, mà hãy nghĩ đến thành quả nhận được. 20% tiền thuế của nhà làm phim có thể quay trở lại qua con đường du lịch. Khi những tác phẩm quay tại Thái Lan được công chiếu toàn thế giới, khán giả sẽ tò mò đến đây tham quan, tác động tích cực đến nền kinh tế", ông Koshpharashin nói.

Bàn về những cơ chế ưu đãi để Thái Lan trở thành "thiên đường làm phim", ông Sirisak Koshpharashin cho biết cơ sở hạ tầng và quay phim hiện đại, đội ngũ chuyên nghiệp là điểm hấp dẫn khác của Thái Lan. Các đoàn phim khi đến Thái Lan luôn cần nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Khách sạn 5 sao của Thái Lan rẻ chỉ bằng khách sạn 2 sao ở Mỹ, nên Thái Lan trở thành điểm đến của nhiều đoàn làm phim trên thế giới.

Trong khi đó, ông Jared Dougherty - Phó Chủ tịch - Giám đốc phụ trách Chính sách công và đối ngoại của Sony Pictures Entertainment khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết việc xin giấy phép làm phim, truyền hình trực tiếp ở Mỹ rất thuận lợi bởi Mỹ mong muốn thu hút việc sản xuất phim.

"Nhiều đất nước muốn khuyến khích làm phim để quảng bá đất nước của họ nên có nhiều chính sách thu hút quay phim, tạo điều kiện bằng việc đưa ra thủ tục minh bạch", ông Jared Dougherty nói.

Theo ông, trước hay sau ống kính, chính quyền đều làm việc với đoàn phim một cách minh bạch. "Chúng tôi thấy được những lợi ích khi các đoàn phim đến với địa phương. Ở Australia, họ có những chính sách giảm chi phí đoàn làm phim vì muốn lan truyền sức mạnh mềm của họ, quảng bá cảnh đẹp… Khách du lịch đến Sydney có ấn tượng tích cực sẽ chia sẻ và tiếp tục thu hút du khách. Việt Nam muốn quảng bá hình ảnh mình qua các bộ phim thì phải có chính sách thu hút đoàn phim", ông Dougherty gợi mở.

Áp dụng tư duy đổi mới vào điện ảnh

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá kinh nghiệm phát triển ngành điện ảnh ở Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc… là rất hay. Theo ông Vinh, chúng ta cần phải thay đổi tư duy và nhận thức. Thời gian qua, "chúng ta chưa đong đếm được việc khách du lịch vào mang theo điều gì cho đất nước".

Theo ông Vinh, công nghiệp điện ảnh vượt lên trên những vật chất thông thường. Nó nên được kết hợp với các chính sách ưu tiên của Chính phủ. "Nhìn lại câu chuyện hội nhập kinh tế của đất nước, sao không áp dụng tư duy đổi mới kinh tế trong vấn đề phát triển công nghiệp điện ảnh?", ông Vinh đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, tư duy đổi mới của Việt Nam được áp dụng sẽ phát triển công nghiệp điện ảnh.

Thực tế thời gian qua cho thấy, từ phía các cơ quan quản lý cũng đã có những thay đổi để tạo điều kiện cho các đoàn làm phim quốc tế. Theo bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện Bộ VHTTDL có Cổng dịch vụ công mà các tổ chức nước ngoài có thể tiếp cận. Các thủ tục hành chính đã đơn giản hơn.

Tuy nhiên, bà Dung thừa nhận, “đúng là chúng tôi cần có sự đồng bộ hơn nữa, từ chính sách đến thực tế. Chính sách hoàn thuế, ưu đãi còn bất cập nên chưa triển khai được. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách sao cho đồng thuận với các nền điện ảnh trong khu vực, giúp hỗ trợ tốt hơn cho những nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam”.

Được biết, năm 2023, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) cũng đã giới thiệu Bộ chỉ số Thu hút đoàn làm phim (gọi tắt là PAI - Production Attraction Index), nhằm truyền tải thông điệp từ các địa phương trên cả nước đến các nhà làm phim và mời gọi họ đến quay phim. Nhờ PAI, lời mời từ nhiều địa phương đã đến được với các nhà làm phim và bước đầu đã có những bộ phim được thực hiện như kết quả của chương trình này.

Ở góc độ những đơn vị trực tiếp sản xuất phim và có hợp tác quốc tế, ông Nguyễn Trinh Hoan - Đại diện công ty sản xuất HKFilm, thừa nhận hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của các đơn vị nước ngoài đã được nới rộng. Ông Hoan dẫn chứng, theo Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022, nếu bộ phim chỉ quay một số phân cảnh có bối cảnh Việt, êkíp chỉ phải gửi Cục Điện ảnh kịch bản tóm tắt của dự án và nội dung chi tiết của các cảnh quay đó bằng tiếng Việt, thay vì toàn bộ kịch bản.

Tuy nhiên, theo ông Trinh Hoan, hiện môi trường làm phim trong nước chưa đủ hấp dẫn các nhà làm phim nước ngoài do chưa có chính sách hoàn thuế và ưu đãi thuế như các nước lân cận có cùng môi trường và bối cảnh tương tự.

Ngoài ra, việc hợp tác sản xuất phim Việt gặp khó khăn với các dự án trong nước có sự đầu tư của nước ngoài, khi thời gian làm hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế) kéo dài, mất từ 3 đến 5 tháng.

Hiện, ông Trinh Hoan có các dự án phim được sự quan tâm của các công ty nước ngoài, muốn đầu tư vào mục đích giúp mở rộng thị trường. Nhưng thủ tục phức tạp và tốn thời gian nên cả hai phía phải xem xét lại khả năng hợp tác. "Điều này có thể làm các nhà sản xuất nước ngoài ngần ngại. Liệu các cơ quan chức năng có thể xem lại việc đơn giản hóa thủ tục này không?", ông Hoan đặt vấn đề.

Ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng nếu xác định điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa thì phải đầu tư xây dựng và phát triển.

"Chúng ta muốn mọi người đến với mình thì phải làm gì để đón người ta. Điện ảnh là quảng bá, giới thiệu thì phải có trách nhiệm với họ. Nhưng tiếc là dù nhiều địa phương muốn làm nhưng chưa có cơ chế. Trong thời gian tới, các địa phương nên xây dựng cơ chế trong thẩm quyền tạo điều kiện về thủ tục, tài chính để các nhà sản xuất yên tâm sản xuất. Bộ phim ra đời có các ngành chức năng bên cạnh", ông Mỹ góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Việt Nam trở thành ‘phim trường thế giới’