Theo nhiều người dân thì cách tính bậc thang mới từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc theo dự thảo của Bộ chỉ là thay đổi cơ học...
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Nhiều ý kiến người dân và chuyên gia tại TP HCM cho rằng, dự thảo phương án tính giá điện sinh hoạt được đưa ra lần này chưa giải quyết những bất cập trong cách tính giá điện bậc thang trước đây, nhất là chưa công khai, minh bạch trong cách tính giá điện.
Đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1 gồm 5 bậc và phương án 2 gồm 5 bậc và một giá.
Theo nhiều người dân thì cách tính bậc thang mới từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc theo dự thảo của Bộ chỉ là thay đổi cơ học, chứ về bản chất không thay đổi.
Bởi nếu tính theo giá điện bậc thang, đối với nhóm gia đình tiêu thụ điện ở mức phổ biến nhất là từ 201-300 kWh/tháng thì giá điện vẫn ở mức cao: 141% so với giá điện bán lẻ bình quân.
Trong khi đó, mức tiêu thụ điện này là phổ biến đối với nhiều gia đình phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân ở đô thị, cho nên Bộ Công Thương cần xem lại.
Còn với cách tính một giá điện, nếu mức tiêu thụ từ 201 đến 300kWh như trên, thì tổng số tiền các hộ gia đình phải trả cũng sẽ cao hơn khá nhiều.
Anh Lê Văn Đức (nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh, Quận 2, TP HCM) cho biết, đối với những hộ tiêu thụ ở mức 300 kWh/tháng thì cách tính này giá điện sẽ tăng thêm 20-30%. Còn với gia đình anh, với mức tiêu thụ điện cao hơn, cụ thể là trong tháng 7 sử dụng hơn 600 kWh, tính thành tiền là 1,6 triệu đồng, tăng khoảng 5% so với hiện nay.
“Phương án dự thảo tính giá điện này không có tính ưu việt hơn phương án trước, vẫn là “bình mới rượu cũ”. Tôi đưa ra mức tính bậc thang thì phải nhắm đối tượng tiêu thụ điện ở mức phổ biến. Nếu hỗ trợ đối tượng này thì hộ tiêu thụ điện 300 kWh/ tháng phải có mức giá hợp lý hơn so với mức hiện hành như bây giờ” - anh Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Đức, anh Nguyễn Văn Thi (ở đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng cách tính một giá điện của dự thảo này chưa hợp lý, giá cao, lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT).
Anh Đức cũng cho biết thêm: “Theo ý kiến của tôi, cách tính giá điện một giá là cao. Vì so sánh với giá điện bậc thang mình đang trả tiền điện hiện nay là cao hơn. EVN phải minh bạch và giải thích rõ ràng cơ sở nào để tính giá điện này, phải minh bạch, cụ thể để người dân biết tại sao đưa ra mức giá đó, chứ cách tính giá điện theo dự thảo thì chưa thuyết phục người dân”.
Nhiều ý kiến đề nghị, trước khi đưa ra dự thảo các phương án tính giá điện bán lẻ dùng cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương nên tổ chức hội đồng thẩm định để có sự tham gia của cơ quan chức năng, nhà chuyên môn, chuyên gia kinh tế… để có phương án phù hợp nhất.
Nhân viên điện lực sửa chữa đồng hồ điện. |
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ nhiệm Tổ tư vấn kinh tế của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về vấn đề này vì giá điện liên quan đến mọi gia đình.
"Tôi thấy cần có hội đồng thẩm định, trong đó có đại diện Mặt trận để bảo vệ quyền lợi, tiếng nói của người dân. Trước khi dự thảo đưa ra các phương án tính giá điện này phải dựa trên cơ sở khoa học, giá điện không thấp hơn được thì cũng phải bằng giá điện các nước trong khu vực. EVN nên khảo sát sát kỹ và đưa ra giá này và làm thế nào để người dân chấp nhận được giá mình đưa ra” - ông Huỳnh Văn Minh đưa ý kiến.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, để có giá điện hợp lý, thuyết phục được người dân thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên công khai tất cả các thông tin liên quan đến chi phí sản xuất, giá thành, mục tiêu lợi nhuận, dự đoán sản lượng tiêu thụ trong thời gian tới… Từ đó, người tiêu dùng mới có cơ sở đối chiếu, so sánh cách tính này có hợp lý hay chưa.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cũng nhấn mạnh: “Nguyên tắc khi chúng ta tính toán điều gì đó thì nên công bố thông tin rõ ràng. EVN xác định lợi nhuận mục tiêu trong nhóm điện sinh hoạt, đưa ra mức lợi nhuận hợp lý. Tính toán ra chi phí cung cấp điện sinh hoạt, giá bình quân, công khai hết, sau đó ra biểu giá vừa hợp với mục tiêu lợi nhuận, vừa hợp với mức chi trả của người dân và phù hợp với giá điện của các nước có mức thu nhập tương đương Việt Nam”.
Thực tế, cách tính tiền điện sinh hoạt theo bậc thang hiện nay cũng đang lộ rõ nhiều bất cập. Nên chăng, dự thảo cách tính giá điện mới cần khắc phục những bất cập này và quan trọng hơn là ngành điện phải thuyết phục được toàn dân về sự minh bạch, hợp lý trong cách tính giá điện.