Sáng ngày 15/7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho đơn vị hành chính – kinh tế (HC-KT) đặc biệt Phú Quốc” (sau đây gọi là đặc khu). Hàng chục bản tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã được trình bày tại hội thảo.
Cần có thêm cơ chế chính sách đặc biệt để Phú Quốc phát triển hơn nữa.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Qua gần 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng... Đề án đặc khu Phú Quốc đã cơ bản được định hình. Hội thảo lần này với mong muốn được tham vấn, tập hợp nhiều hơn nữa ý kiến, trí tuệ để có thể hoạch định chiến lược phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó còn là dự báo những khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng đặc khu Phú quốc; định hướng rõ hơn về các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trọng tâm nhằm xây dựng Phú Quốc trở thành một khu vực kinh tế năng động, mang đặc trưng và bản sắc riêng, có cơ chế, chính sách đặc biệt, đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khu vực và quốc tế...
Theo GS.TS Phạm Ngọc Lãng – Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng: Đặc khu HC-KT Phú Quốc phải lấy nền kinh tế tri thức làm trung tâm. Theo đó tỉnh Kiên Giang cần kiến nghị lên Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ được thí điểm một số chính sách lớn chưa từng có tiền lệ như: Chọn người đứng đầu đặc khu theo nguyên tắc thi tuyển công khai dựa trên bộ tiêu chí đề thi do tư vấn quốc tế ra đề và Chính phủ phê chuẩn.
Lấy nền kinh tế tri thức làm trọng tâm phát triển Phú Quốc hướng tới mục tiêu sau 20 năm phải đuổi kịp và vượt Hongkong, Singapore. Phát triển Phú Quốc theo định hướng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, đầu tư nước ngoài thông thoáng; thí điểm bỏ qua những bất cập của các bộ luật về đất đai, sở hữu, doanh nghiệp... nhằm giải phóng sức sản xuất của các thành phần kinh tế, đưa các điều luật về các tiêu chí so sánh ngang bằng với Hongkong, Singapore…
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu ý kiến: Mô hình “đặc khu” trên thế giới đã có từ lâu. Tại Việt Nam từ thập niên 1980 cũng đã tiếp cận vấn đề này. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đặc khu là giải pháp phát triển đặc biệt hiệu quả.
Trường hợp Singapore, các đặc khu kinh tế của Hàn Quốc, UAE, nổi bật nhất là Dubai... chứng tỏ nếu biết làm, đặc khu có thể tạo ra sự thần kỳ cho sự phát triển. Ông Thiên cho rằng Việt Nam có lợi thế của người đi sau là học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với những thách thức lớn, mà trước hết là thiếu tri thức, đặc biệt tri thức kinh nghiệm trong việc tổ chức phát triển đặc khu.
Về những chính sách đất đai đặc thù cần thiết cho phát triển đặc khu Phú Quốc, GS.TS Đạng Hùng Võ – Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị: Cho phép các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được được giao đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài. Mở rộng quyền đối với đất thương mại, dịch vụ sử dụng vào mục đích phát triển du lịch; cho phép người nước ngoài được sở hữu và kinh doanh BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng như cho phép nhà đầu tư thế chấp bằng BĐS tại ngân hàng có pháp nhân nước ngoài để vay vốn đầu tư.