Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa có cuộc làm việc với Trường ĐH Y Hà Nội về việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, trong đó tập trung vào chính sách học phí.
Theo đó, ngày 6/8/2020 vừa qua, Trường ĐH Y Hà Nội đã có tờ trình Bộ Y tế về việc thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch, Thư ký Hội đồng theo đúng hướng dẫn. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, thực hiện thu học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ.
Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, việc tính chi phí đào tạo trong khối ngành y đang gặp khó khăn vì thời lượng thực hành nhiều, các quy định khấu hao vẫn chưa được sửa đổi, cơ chế đặt hàng của Nhà nước với dịch vụ đào tạo chưa được hướng dẫn cụ thể. Một cán bộ phải đảm nhiệm nhiều vai trò, nhưng cơ chế để chi trả chưa hợp lý.
Tại cuộc làm việc này, các ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục ĐH đào tạo nhân lực y tế, vì đây là ngành đào tạo cần nhiều thời gian và nguồn lực. Cần có thông tư hướng dẫn chi tiết lộ trình thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học; đồng thời cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tránh tình trạng tự chủ hình thức. Với các trường đại học đào tạo nhân lực ngành y tế, cần có cơ chế đặc thù để thực hiện tự chủ, và để thực hiện tự chủ toàn diện cần có điều kiện đi kèm.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng nhấn mạnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH ở mức độ lớn hơn, rộng hơn. Do đó, chính nhà trường sẽ quyết định hướng đi cho mình chứ không phải ai khác. Vai trò của Hội đồng trường rất quan trọng trong việc đề ra cụ thể chiến lược, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ của trường.