Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện giao thông ở Việt Nam, đề xuất giảm độ tuổi được cấp bằng lái xe hạng A1 chưa phù hợp.
Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe hạng A1 được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra tại hội thảo “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” do Bộ Công an tổ chức mới đây. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
"Trẻ hóa" độ tuổi cấp bằng lái xe
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, quy định độ tuổi được cấp giấy phép lái xe hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn. Nhu cầu sử dụng xe máy đối với học sinh THPT ngày càng phổ biến, nhất là lớp 11 và 12, phục vụ cho các buổi học: trái buổi, ngoại khóa, học thêm khá nhiều. Trong khi đó, phương tiện công cộng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy giấy phép lái xe để đi xe 50-175cc (hạng A01).
Thực tế, người từ 16 đến dưới 18 tuổi không được học luật giao thông đầy đủ vì chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy dưới 50cc. Sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới. Ở Thái Lan, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110 cc trở xuống là 15 tuổi, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ trên 110 cc và ôtô là 18 tuổi; tại Mỹ, công dân từ 16 tuổi đã có thể thi lấy bằng lái ôtô.
Trước đề xuất này, theo ghi nhận, nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên nêu những quan điểm khác nhau. Anh Nguyễn Trung Kiên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay, học sinh cấp 3 rất cao lớn. Nhiều ông bà, bố mẹ nhỏ bé nhưng phải vất vả đưa con cháu to lớn, cồng kềnh đằng sau đi học rồi lại đón về, cho thấy nhiều bất cập.
“Học sinh ở tuổi này có thể đi xe 110cc đổ về. Nếu các cháu được đào tạo đầy đủ về Luật Giao thông thì hoàn toàn có khả năng điều khiển xe tốt”, anh Kiên cho hay.
Cho rằng đề xuất này là tín hiệu vui cho phụ huynh đang phân vân việc mua xe máy 55cc, xe điện kém an toàn, anh Đinh Xuân Đoan bày tỏ quan điểm, hiện nay, gia đình nào cũng có một vài chiếc xe máy. Để tránh lãng phí tiền của trong dân thì nên cho học sinh THPT chạy chung với loại xe có phân khối phổ thông, ví dụ từ 125cc trở xuống.
“Các con học THPT được học luật, thi bằng lái sớm để giảm áp lực mua phương tiện cho con trong 3 năm học cấp 3 rồi sau đó cũng bỏ đi. Hoặc cha mẹ cũng giảm được áp lực phải đưa đón con cái đi học, rất mất thời gian cũng như gây ách tắc giao thông”, anh Đoan nói.
Nên nghiên cứu kỹ
Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều phụ bày tỏ lo ngại về việc "trẻ hoá" độ tuổi cấp bằng lái xe. Chị Nguyễn Quỳnh Chi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, chị thấy hoảng khi nghĩ đến việc một đứa trẻ học lớp 10, được cấp bằng lái xe hạng A1, cưỡi xe 175cc.
Theo chị Chi, quy định hiện hành cho phép trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi được phép lái xe máy, xe điện dưới 50cc là phù hợp. “Muốn nâng cao ý thức giao thông cho học sinh THPT thì nên đưa nội dung đào tạo về an toàn giao thông, luật giao thông cơ bản cho các em như là nội dung ngoại khoá bắt buộc thì sẽ tốt cho cả các em, tốt cho cả xã hội”, chị Chi nêu quan điểm.
Thực tiễn, học sinh khi tham gia giao thông trên đường vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, sai làn đường… Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao.
Nhiều vụ tai nạn giao thông ngiêm trọng liên quan tới những điều kiển phương tiện giao thog từ 16-18 tuổi.
Thế nên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hôi Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nêu quan điểm, với điều kiện giao thông của Việt Nam hiện nay, không nên giảm độ tuổi cấp phép bằng lái xe hạng A1.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hai bộ: Giao thông vận tải và Công an cần phải khảo sát thực tế tình hình giao thông hiện nay thì mới có cơ sở dữ liệu để điều chỉnh luật, đừng đề xuất dựa trên lý thuyết.
Dưới góc độ nghiên cứu tâm lý giáo dục, TS Lâm cũng thừa nhận, học sinh hiện nay dậy thì rất sớm, đa số các em đều to cao hơn thế hệ trước rất nhiều. Về thể chất các em có thể đáp ứng yêu cầu việc lái xe nhưng về tinh thần ở độ tuổi này các em chưa đủ độ chín chắn, còn đang dao động tâm lý.
TS Lân dẫn chứng, gia đình ông có hai cháu trai, một cháu hiện đang học bậc THPT, một cháu đang học bậc THCS. Cháu học bậc THCS hiện nay còn cao lớn hơn cháu đang học bậc THPT. Tuy các cháu to cao nhưng tính cách vẫn rất trẻ con. Nếu giao xe máy cho các cháu điều khiển thì rất đáng lo ngại.
Hơn nữa, theo TS Lâm, khi hạ độ tuổi cấp giấy phép lái xe, kéo theo đó là cần nghiên cứu, điều chỉnh các luật có liên quan. Ví dụ như, khi trẻ 16 tuổi tham gia giao thông nếu để xảy ra va chạm, gây tai nạn giao thông sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm hay các em lại được tha bổng?
“Hiện nay, một bộ phận học sinh bậc THPT chưa có văn hóa giao thông. Dù các em chỉ được lái xe máy dưới 55cc hoặc xe điện nhưng nhiều em vẫn điều khiển xe máy phân khối lớn hơn, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí là đua xe. Lực lượng công an còn chưa xử lý xuể thì giờ còn mở rộng độ tuổi cấp bằng lái xe A1 thì sẽ thế nào”, TS Lâm nói.
Thay vì đề xuất giảm độ tuổi cấp bằng lái xe, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước mắt là nghiên cứu, triển khai các giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho mọi người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18.