Ngày 31/8, ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của Thành phố Hà Nội, năm học 2022-2023.
Theo Dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng gồm: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của TP Hà Nội trên địa bàn các xã miền núi (gọi tắt là đối tượng 1), gồm 13 xã: Huyện Ba Vì có 7 xã (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài); Huyện Thạch Thất có 3 xã (Yên Trung, Yên Bình Tiến Xuân); Huyện Quốc Oai có 2 xã (Phú Mãn, Đông Xuân); Huyện Mỹ Đức có 1 xã (An Phú).
Trẻ mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được giảm 50% và 70% học phí theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Không bao gồm các đối tượng 1) đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của TP Hà Nội; học viên thuộc đối tượng được giảm học phí theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của TP Hà Nội (gọi tắt là đối tượng 2).
Các đối tượng trên đã được hưởng chế độ không phải đóng học phí, miễn học phí theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này.
Về mức hỗ trợ: Đối tượng 1 bằng 100% mức thu học phí năm học 2022-2023; Đối tượng 2 bằng 100% học phí còn lại phải đóng theo mức thu học phí năm học 2022-2023 do HĐND TP quy định, từ ngân sách nhà nước theo phân cấp. Riêng năm 2022, từ nguồn dự phòng ngân sách cấp thành phố.
Nếu học phí năm học 2022-2023 được giữ nguyên như năm học 2021-2022, dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 9,136 tỷ đồng cho khoảng 30.566 người. Trường hợp mức thu học phí năm học 2022-2023 thực hiện theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 17,7 tỷ đồng cho 30.566 người.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đa số các đại biểu đều thống nhất việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết. Bà Bùi Thị An, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban MTTQ thành phố cho rằng, hiện nay, các chế độ hỗ trợ cho nhiều đối tượng tùy giai đoạn chưa thể phủ khắp mọi đối tượng đáp ứng được mong muốn của tất cả phụ huynh và vì vậy, còn một số em ở vùng núi, vùng sâu, xa…phải đóng 100% học phí nên gặp khó khăn. Để đảm bảo 100% các em có đầy đủ điều kiện đến trường, đảm bảo phổ cập giáo dục phổ thông thì việc ban hành Nghị quyết là vô cùng cấp thiết.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần sửa lại tên Nghị quyết cho phù hợp với các đối tượng và rõ ràng hơn. Đồng thời, cân nhắc bổ sung thêm một số nhóm đối tượng. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam kiến nghị bổ sung thêm đối tượng là con em của công nhân các khu công nghiệp; của nhân dân, người lao động về định cư tại Hà Nội (diện không có hộ khẩu thường trú). Ngoài ra, có ý kiến cần bổ sung thêm các em là con các cán bộ, chiến sỹ đang công tác ngoài biên giới, hải đảo; con em có bố, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc chịu ảnh hưởng hậu Covid-19 mất khả năng lao động…
Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính cần có sự phối hợp hướng dẫn cụ thể cách lập dự toán và chi trả cho phù hợp, tránh hình thức rườm rà mà vẫn đảm bảo đúng chính sách, nhanh gọn. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cần làm tốt việc tuyên truyền hướng dẫn, giám sát, kiểm tra để không xảy ra sai sót.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Đàm Văn Huân cảm ơn và tiếp thu 15 ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, đại diện các quận, huyện. Theo đó, sẽ thống nhất điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết cho phù hợp với thực tế triển khai; điều chỉnh lại bố cục; đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch để tạo sự ủng hộ, đồng tình từ dư luận và các đối tượng khác tránh thắc mắc trong xã hội. Đồng thời, nêu cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận các cấp cùng vào cuộc tham gia giám sát để việc triển khai Nghị quyết được nhanh chóng, minh bạch, thể hiện được tính ưu việt của chính sách khi đi vào cuộc sống.