Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét.
Trong bản dự thảo mới nhất Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ LĐTBXH cho rằng, chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn diện. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần còn bất cập. Việc phát triển đối tượng còn dưới mức tiềm năng, nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Trong khi số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng.
Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH, Bộ LĐTBXH đề xuất thiết kế hệ thống BHXH đa tầng thông qua bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí đối với người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng; quy định lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể, tăng mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH tự nguyện tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho người lao động có sự lựa chọn, đồng thời vẫn bảo đảm hướng người lao động đến hưởng lương hàng tháng.
Cụ thể, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH.
Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp thì mức hưởng cho mỗi năm đóng góp bằng hai lần mức tiền lương bình quân đã đóng BHXH. Quy định này áp dụng đối với thời gian đóng từ năm 2014 trở đi; còn thời gian đóng BHXH trước năm 2014 thì vẫn giữ như hiện hành là một năm đóng BHXH được hưởng 1,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH.
Đánh giá về những tác động cụ thể của từng đề xuất, Bộ LĐTBXH cho biết, đã có đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách và những đối tượng khác có liên quan. Theo đó về tác động kinh tế đối với nhà nước: Phát sinh chi ngân sách nhà nước 49.521 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030 (bình quân mỗi năm 7.074 tỷ đồng). Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ 30% so với mức đóng chuẩn nghèo khu vực nông thôn: Dự kiến giai đoạn 2024-2030, ngân sách nhà nước phát sinh tăng 17.019 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 2.431 tỷ đồng).