Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành Dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, có đề xuất chủ sở hữu xe ô tô phải mở tài khoản ngân hàng để đề phòng “phạt nguội”. Câu chuyện mua ô tô phải có tài khoản ngân hàng không phải bây giờ mới có, mà từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã từng kiến nghị, đề xuất.
Bắt buộc là vô lý..?
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, anh Trần Tiến Dũng (trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chia sẻ : Người nào có điều kiện mua ô tô là quyền của người ta, giờ bắt buộc người ta phải mở thể ngân hàng phục vụ cho việc “phạt nguội” là chưa phù hợp.
Mặt khác, mỗi người dân phải nộp một số tiền lên hàng chục triệu đồng vào tài khoản chỉ để phục vụ cho việc xử phạt thì không ổn.
Cùng chung quan điểm, anh Lê Minh Giang (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ : Việc mở tài khoản hay không là quyền của người dân, không thể bắt buộc, nên việc bắt buộc người dân mở tài khoản khi mua ô tô là hết sức phi lý. Nếu ai mua ô tô mà không mở tài khoản như vậy thì người ta không được sử dụng xe chăng. Anh Giang cho rằng, không nên áp đặt thực tế của các nước tiên tiến trên thế giới với Việt Nam. Vì họ có điều kiện kinh tế hơn người dân chúng ta và toàn dân họ đều sử dụng thẻ tín dụng, họ không sử dụng tiền mặt. Vì vậy, việc nộp phạt theo cách nào là sự lựa chọn của người dân chứ không phải ra quy định bắt buộc như vậy.
Chia sẻ về đề xuất trên, ông Nguyễn Đăng Toàn, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng tỏ ra băn khoăn. Theo đó, doanh nghiệp của ông Toàn có hàng chục đầu xe và các tài xế luôn phiên chạy các xe khác nhau. Nếu phạt trực tiếp thì lái xe vi phạm đó phải chịu, còn “phạt nguội” khi lái xe đã nghỉ hay bỏ việc thì doanh nghiệp lại phải chịu là bất công.
Mặt khác, doanh nghiệp này cho thuê xe ô tô tự lái, khi khách vi phạm giao thông và trả lại xe cho doanh nghiệp thì ai sẽ chịu phạt ?
Cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Ngọc Khương (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện ở nước ta chưa có quy định buộc công dân phải mở tài khoản ngân hàng khi mua và đăng ký ô tô. Đây chỉ là các giao dịch dân sự thể hiện trên sự thoả thuận giữa người mua và người bán xe. Hơn nữa, việc này cũng không khả thi vì người mua ô tô xong có thể bán ngay cho người khác sử dụng.
Mặt khác, trong trường hợp mở tài khoản ngân hàng, nhưng trong tài khoản đó không có tiền, không có giao dịch thì lấy tiền đâu để khấu trừ phạt nguội ? Luật sư Khương cũng cho rằng, nếu ấn định số tiền trong tài khoản đó sẽ xâm phạm đến quyền tự do của công dân vì không có điều luật nào bắt buộc công dân phải có tài khoản ngân hàng và tiền duy trì trong ngân hàng.
Nhiều luật gia khác cũng cho hay, việc mở tài khoản ngân hàng là quyền của công dân chứ không phải nghĩa vụ, do đó, không thể ép buộc được vì công dân phải mất tiền mở tài khoản và phải thanh toán chi phí để duy trì tài khoản đó. Ngoài ra, còn có tình trạng người dân mở tài khoản nhưng không để tiền vào trong tài khoản mà chỉ để số dư trong tài khoản thì việc phạt nguội bằng hình thức này cũng không thể thực hiện được.
Nếu bắt buộc người mua và đăng ký ô tô phải mở tài khoản ngân hàng thì cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Khi nhân dân đồng tình, ngành chức năng nên có lộ trình hợp lý và khuyến khích người dân thực hiện chứ đừng bắt buộc sẽ gây bức xúc trong nhân dân.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm ủng hộ đề xuất trên. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, cũng cần phải có một lộ trình phù hợp và tạo được thuận lợi cho người dân. Ngành chức năng nên quy định khi mua ô tô phải mở thẻ ngân hàng, tuy nhiên, tài khoản đó dùng làm tài khoản cá nhân, thực hiện mọi giao dịch khác của mỗi cá nhân chứ không dùng chỉ để nộp phạt nguội.
Trước mắt có thể thực hiện với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị trừ vào tài khoản của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ trừ vào tiền lương hoặc các khoản thu nhập nào đó của tài xế vi phạm giao thông. Ông Thanh cho rằng, nên lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và việc làm này là cần thiết để tiến tới một xã hội văn minh, hiện đại hơn.
Theo giới chuyên gia giao thông, việc sử dụng tài khoản ngân hàng để nộp phạt vi phạm giao thông sẽ đem lại một số lợi ích như chống tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông và đỡ mất thời gian cho cả lực lượng chức năng và người dân. Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình để người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề trên.