Trước những bất cập từ nội dung, cung ứng tới giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT cần biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa của Nhà nước
Chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1.
Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở 9 khối lớp, gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Tới năm học 2024-2025, chương trình mới sẽ triển khai ở 3 khối lớp còn lại, gồm: 5, 9, 12.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học 2024-2025 tới đây, Bộ GDĐT đang triển khai nhiều nội dung công việc.
Một trong những phần việc quan trọng được Bộ xác định là tập trung thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 bảo đảm chất lượng.
Đây là ba khối lớp cuối cùng trên cả nước sẽ học theo sách giáo khoa mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GDĐT cũng cam kết chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ càng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa, Bộ GDĐT sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đề xuất phương án trình Quốc hội về việc Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Cần lược bỏ nội dung không cần thiết
Hiện Bộ GDĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5 để làm căn cứ cho các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa đưa vào giảng dạy từ năm học 2024-2025.
Theo quyết định được phê duyệt, có 41 sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục dành cho học sinh lớp 5 sẽ được sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học tới. Đây là các sách giáo khoa mới được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo quy định của Bộ GDĐT, căn cứ danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, các nhà trường tổ chức lựa chọn SGK để đưa vào giảng dạy từ năm học tới.
Thay vì hội đồng của UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa mới như 3 năm học vừa qua, việc trao quyền chọn sách cho các nhà trường được kỳ vọng sẽ hạn chế những bất cập từng xảy ra ở một số địa phương khi có hiện tượng danh mục sách được tỉnh duyệt không có sách trường đề xuất...
Vấn đề về sách giáo khoa luôn là chủ đề nóng, gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua, nhất là sau quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới bộc lộ nhiều bất cập từ nội dung, quy trình cung ứng tới giá sách giáo khoa.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là đúng đắn, tuy nhiên nếu không quản lý tốt, không dạy tốt thì chất lượng giáo dục sẽ không đảm bảo.
Thế nên, PGS.TS Bùi Thị An ủng hộ việc Bộ GDĐT tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa và nghiên cứu phương án tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị, về khối lượng chương trình, Bộ GDĐT cần xem lại và lược bỏ những nội dung không cần thiết, nặng nề với học sinh để các em vừa học kiến thức cơ bản, vừa có thời gian để vui chơi, có thời gian tập luyện thể dục thể thao, trang bị kỹ năng sống. Như vậy, học sinh mới phát triển toàn diện trí lực.
“Những bất cập về sách giáo khoa mới vừa gây lãng phí vừa không bảo đảm kiến thức cho học sinh. Sách giáo khoa phải có người chịu trách nhiệm thì chất lượng giáo dục mới nâng lên. Vì vậy, việc đánh giá, tổng kết lại chương trình là cần thiết”, PGS. TS Bùi Thị An nêu quan điểm.