Đề xuất tăng mạnh thuế tài nguyên: Sẽ theo lộ trình cụ thể

Hồ Hương (lược ghi) 11/09/2015 22:02

Các DN khai khoáng phản ứng gay gắt về việc Bộ Tài chính muốn tăng thu ngân sách bằng việc tận thu thuế suất xuất khẩu tài nguyên, ngày 11/9, trao đổi với báo giới, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng: Một số nhóm tài nguyên đang khai thác, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí…

Doanh nghiệp phản ứng trước đề xuất tăng thuế tài nguyên.

PV: Theo Dự án Nghị quyết đang đưa ra lấy ý kiến, hầu hết thuế suất các khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2% đến 12%. Tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất tăng mạnh thuế suất xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản thưa ông?

Ông Phạm Đình Thi: Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân.

Theo đánh giá trong thời gian qua, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nêu mục tiêu cụ thể về quản lý tài nguyên: Quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên quốc gia. Ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt ...

Hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản; và đưa ra các giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên như: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính, theo đó người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu trong nước trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là một trong những giải pháp cần thiết, có tính khả thi.

Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, đảm bảo bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên, là một trong những công cụ tài chính có hiệu quả.

Các DN ngành khai khoáng cho rằng Việt Nam là nước có khung thuế suất cao nhất thế giới?

- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế.

Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Cũng có ý kiến nêu việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tại thời điểm hiện nay là chưa đảm bảo tính ổn định của chính sách, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư?

- Để DN có thời gian chuẩn bị để ổn định sản xuất, dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra lộ trình áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên mới đối với một số loại khoáng sản hiện đang gặp khó khăn trong khai thác. Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên vẫn đảm bảo nằm trong khung thuế suất thuế tài nguyên do Quốc hội ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất tăng mạnh thuế tài nguyên: Sẽ theo lộ trình cụ thể