Quốc hội

Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng

Việt Thắng 13/05/2025 10:22

Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

thang13-5.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Minh Nam)

Theo ông Thắng, thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị loại I), lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và cả nước; kết nối 2 hành lang kinh tế phía Bắc; là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không trong nước và quốc tế) và là cửa ngõ chính ra biển của Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc để kết nối với quốc tế.

Vì vậy, trong phát triển kinh tế, xã hội Vùng ĐBSH, thành phố Hải Phòng(thành phố) được xác định là một cực tăng trưởng trong tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và có vị trí địa kinh tế - chính trị đắc địa để phát triển kinh tế, xã hội so với các tỉnh, thành phố khác trong Vùng.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, tại Kết luận số 96-KL/TW, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương và giao Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo “ban hành Nghị quyết mới về một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá, nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy; thu nhập cán bộ, công chức, viên chức; thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới để tạo động lực phát triển thành phố Hải Phòng”.

Các chính sách đặc thù phát triển thành phố đề xuất thực hiện thí điểm được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư (2 chính sách); Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (4 chính sách); Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại thành phố (17 chính sách).

Đáng chú ý, về thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố (Điều 9), ông Thắng cho hay, dự thảo Nghị quyết quy định: “Thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng (Khu TMTD) là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khu TMTD được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm: Khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu chức năng trong Khu TMTD đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật được bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền và trình tự, thủ tục thành lập Khu TMTD được quy định như: Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD được thực hiện như trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới như đối với khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu TMTD.

Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về Khu TMTD tương tự như khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân thành phố thực hiện quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu TMTD; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong Khu TMTD.

"Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Trên cơ sở nghiên cứu mô hình khu thương mại tự do trên thế giới, thành phố đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Thành phố để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm mục tiêu thu hút đầu tư nhất là công nghệ cao, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Qua đó, tạo điều kiện giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ đó tổng kết thí điểm mở rộng áp dụng cho cả nước", ông Thắng nêu.

Bên cạnh đó, với việc đề xuất thành lập Khu TMTD được đưa ra nhằm tạo thêm động lực phát triển mới các cơ chế, chính sách đột phá, giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững, tạo thêm động lực mới để đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết đề xuất phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tương tự như khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng