Ngày 26/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tham dự khai mạc hội nghị có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định.
Tại hội nghị, các ĐBQH hoạt động cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, một vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những vi phạm từ đạo luật khác tác động đến môi trường như: quy hoạch, giao thông, chất thải phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sống hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, môi sinh còn thấp, nhiều nơi tình trạng ô nhiễm nặng, nhếch nhác.
Từ đó ông Khải đề nghị, cần bổ sung quy định cho phép HĐND TP Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường mọi nơi, mọi lúc, kéo dài và thiếu ý thức xem nhẹ vấn đề môi trường ở Thủ đô. “Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì không dễ thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố” - ông Khải nói.
Cùng quan điểm, ĐB Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông đang là những vấn đề gây khó khăn cho phát triển Thủ đô cũng như người dân công tác và sinh sống trên địa bàn. “Việc sửa đổi Luật Thủ đô có giải quyết được vấn đề này hay không?” - ông Minh nêu vấn đề.
Theo ông Minh, Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó xác định tới năm 2030 có tỷ lệ đất dành cho giao thông từ 16 - 25%, diện tích cho cây xanh đạt khoảng 10m2/người. Vậy tỷ lệ này ở Hà Nội hiện là bao nhiêu, tỷ lệ này hướng đặt ra như thế nào khi áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi)? Do đó dự thảo Luật cần bổ sung thêm cơ chế xử lý các vấn đề này, nhất là với các quận nội thành.
“Một trong những nội dung quan trọng khi sửa đổi luật là để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội hiện là nơi tập trung của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan đầu não, những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của cả nước. Vấn đề là đề tài thì nhiều nhưng áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô đang thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo như chế độ sử dụng tài sản công khi được trao, tặng, thí điểm công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù. Do đó, phải có cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu đổi mới. Mô hình đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình có thể nhân rộng trong tương lai” - ông Minh kiến nghị.
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị, giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc Thủ đô so với cấp quận, huyện. Theo đó, cần “luật hóa” việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn ở hai bên sông.
Ông Cường nhấn mạnh, sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất. Nhưng rất tiếc, hai bên bờ sông Hồng đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội. Do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng, chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình, đất vàng hai bên sông Hồng tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang ở hai bên sông của các tỉnh khác.
Vì vậy, ông Cường kiến nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang, gồm hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê ngăn lũ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về chính sách thu hút người tài của Thủ đô phải có các chính sách thu hút nhân tài qua 3 cách: thi tuyển, tiến cử và ứng cử.
“Bên cạnh đó, phải có chính sách trọng dụng nhân tài bằng cách bố trí đúng sở trường, sở đoản. Không phải thu hút về xong để đấy, lãng phí nhân tài. Phải cho họ cơ hội thăng tiến, những phát minh, sáng kiến của họ được thực thi” - ông Vân nói và cho rằng, các ưu đãi cho nhân tài cần ghi rõ trong luật về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở. Ngoài ra cần có khen thưởng kỷ luật rõ ràng, tránh lợi dung thi tuyển, trọng dụng nhân tài để đưa người vào.
Ông Vân cũng đề xuất bổ sung thêm một chương tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về xây dựng đô thị thông minh. Trong đó có ứng dụng công nghệ quản lý đô thị như trật tự giao thông, môi trường, y tế, giáo dục. Với các ứng dụng này, các cơ quan chức năng và người dân có thể điều hướng giao thông vào giờ cao điểm. Theo đó, công dân Thủ đô nắm bắt được tình trạng sức khỏe, số lượng đăng ký khám tại các bệnh viện để tránh tới nơi đông đúc, phải xếp hàng.
Muốn ứng dụng công nghệ như vậy không thể thiếu kết nối internet. “Thời buổi công nghệ phát triển mà không quy định vào luật thì Thủ đô khó trở thành trung tâm trong nhiều phương diện” - ông Vân bày tỏ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các dự án luật lần này đã được chỉnh lý tương đối toàn diện, Thường vụ Quốc hội nhận thấy các dự án đều đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua. Trong quá trình xây dựng dự thảo các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tiếp tục quán triệt nguyên tắc đối với những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, có sự đồng thuận, thống nhất cao thì quy định vào trong luật; những vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ, còn có ý kiến quá khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu. Những gì chưa chín, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng có thể lùi sang Kỳ họp thứ 8 hoặc chậm lại.