Đề xuất xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Tuệ Phương 11/04/2023 06:19

Trước thực trạng các doanh nghiệp (DN) trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn; để bảo vệ quyền lợi người lao động, công đoàn các cấp đã lên tiếng bảo vệ, triển khai các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ đọng xuống mức thấp nhất.

Công nhân lao động có quyền giám sát doanh nghiệp đã đóng BHXH. Ảnh minh họa.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2022, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 22.000 tỷ đồng, tương ứng trên 5% tổng số phải thu. Tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đã diễn ra nhiều năm nay và chưa có hồi kết. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN chậm đóng BHXH có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân của tình trạng nợ, chậm đóng là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; cố tình dây dưa, chây ì để nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài; tình hình sản xuất - kinh doanh của một số đơn vị sử dụng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện việc trích nộp. Đáng lo nhất là quyền lợi của hơn 200.000 người lao động tại các DN giải thể, phá sản. Với những trường hợp đặc biệt trên, người lao động hết sức khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác.

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, Công đoàn các cấp đã luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH lên hàng đầu. Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, ông Phạm Sơn - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế hiện nay ở nhiều DN, hàng tháng người lao động đóng tiền BHXH đầy đủ nhưng người sử dụng lao động không nộp cho cơ quan BHXH, cuối cùng thiệt thòi thuộc về người lao động. Do vậy, nhiều công nhân phản ánh DN đang chiếm dụng tiền của họ qua bao nhiêu năm. Công đoàn các cấp cần nghiên cứu làm sao để nguyên tắc có đóng có hưởng, công bằng, ai sai ở đâu phải chịu, cần có đủ chế tài pháp luật để xử lý, buộc DN phải chấp hành pháp luật.

Ông Sơn cũng cho hay, ở tỉnh Phú Thọ từng có DN bị xử phạt, khởi kiện ra tòa, thậm chí người lao động thắng kiện nhưng cũng không làm được gì bởi DN vẫn không có tiền nộp BHXH. Công nhân vẫn là người thiệt vì không được hưởng quyền lợi. Nếu kiên quyết “làm rắn” quá cũng khó, thay vào đó, nên nghiên cứu cách giải quyết ổn thỏa, đảm bảo tính công bằng.

Còn ông Dương Đức Khanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình đưa ra ví dụ trường hợp một DN lĩnh vực da giày ở địa phương trốn đóng, nợ BHXH 3 năm. Các cơ quan chức năng phối hợp làm việc với DN chỉ ở mức độ nhất định, nhưng DN đó âm thầm chuyển hết tài sản, bỏ trốn. “Chúng tôi làm đủ trình tự, phối hợp với các ngành nhưng không làm gì được, kể cả công an vào cuộc cũng không khởi tố được vụ án, cuối cùng hàng nghìn người lao động bị mất quyền lợi. Đây là điều thiệt thòi, xót xa, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi” - ông Khanh cho hay.

Do đó, ông Khanh gợi ý, cần bổ sung một khoản vào Điều 19, đó là người sử dụng lao động, cơ quan BHXH có trách nhiệm công khai thông tin của người lao động và cơ quan đóng BHXH để người lao động được theo dõi. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 7 Điều 21, đó là yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận thông tin đóng BHXH, hàng tháng cung cấp thông tin công khai để mọi người kiểm tra, giám sát DN đã đóng nộp, chấp hành chưa.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, người lao động khi đã đóng BHXH, họ có quyền được hưởng quyền lợi, điều này đã được hiến pháp ghi nhận. “Hiện chúng ta đang kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết những vấn đề còn ttoonf tại, nghiên cứu, thiết kế, hạn chế, giảm thiểu tình trạng nợ BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO