Đứng ở trên một con dốc cao Tam Đảo, năm trước tôi nhìn xuống. Cả một vùng loang lổ nước và đất mờ mờ dưới sương mây phủ về chiều. Ánh sáng đang lịm, trông chỉ tưởng những vệt hồ đầm liên tiếp, gợi suy tưởng xa xôi về hồng hoang nguyên thủy. Và đâu đây như len vào nỗi sợ mơ hồ những mộc tinh, hồ tinh hiện ra chặn bắt, những thú lớn rình rập vồ người. Vệt nước lan nâu mờ dưới kia đất đai bàng bạc rộng lớn, tưởng bước vào đó ta sẽ chìm xuống và tan biến đi trong hoang dại.
(Ảnh: Vinh).
Và chính cái không khí hỗn mang, huyền hoặc ấy lại làm cho ta kinh sợ những sức phi thường, vượt lên nào tinh, nào quái, nào lau rậm, đầm sâu và bãi bờ lầy lội. Để rồi từ tay chai sạn, từ thân nhễ nhại, từ tóc tai khô bết, từ chân vai gân guốc bấm xuống rừng hoang đất dữ mà mọc lên vách bùn, mái rạ, mà kết nên những sàn, những cột, những khung mái tre gỗ lợp dưới nắng mưa, ủ ngọt giấc ngủ nối liền đời người giữa vòm trời to lớn sâu sa vô tận. Tôi bàng hoàng sợ, nỗi kính sợ ngập tràn khâm phục khi con người ta đứng trước hoang lạnh và hung tợn ngàn xưa mà trụ nổi qua cuộc sinh tồn bền bỉ. Vì thế mà xưa nay theo từng trăm năm, trong vọng tưởng xa xôi, chúng ta gọi những bậc kỳ nhân cổ xưa là thánh thần, hẳn cũng từ lòng ngưỡng mộ không vơi cạn trước tâm trí, sức vóc mà người người gan góc ấy đã có để vượt lên hoang vu, hiểm nguy và thời gian.
Từ một góc suy tưởng nào đó, phải chăng sự tồn tại và vượt lên kỳ vĩ xa xưa chính là nhờ những “phép màu”? Và phép màu, tưởng cũng có những khi không quá đỗi xa lạ, mà lúc nào đó ta có thể nhận ra. Ấy là kết tinh của những đắp đổi phi thường. Mà sự phi thường ấy, có khi lại chính là dồn nén của khát vọng, sức lực, niềm hăng say và quả cảm con người ta trong bối cảnh gian khó, ngặt nghèo. Bao nhiều đất đai ta đến, ruộng vườn, xóm thôn đồng bãi hôm nay, hẳn nhiên mọc lên từ trăm năm, nghìn năm xưa hoang vu, thăm thẳm cạm bẫy tự nhiên. Những đấng thiêng ngự chốn đình chung, những huyền thoại người dạy dân làng trồng lúa, dệt vải, thêu thùa, rèn sắt, chạm gỗ…, cùng với những đời người cấy cày, trồng dâu, người tay nâng khung thêu, khung tranh…, ngẫm ra chính là dòng lấp lánh không ngừng của phép màu hiện ra theo năm tháng.
Không phải phép màu, thì tại sao những quân rối gỗ hôm nay còn nguyên vẻ tươi sáng, vô tư và thoải mái đến thế! Phép màu nào đã khiến bao đời những người nông dân mấy làng quê xứ Đoài nơi Thạch Thất – Hà Nội, xứ Đông ở Ninh Giang – Hải Dương, xứ Bắc bên Thuận Thành – Bắc Ninh, xứ Nam phía Nam Trực – Nam Định, Đông Hưng – Thái Bình…, lại giữ được những nụ cười, động tác của rối gỗ cho những thế hệ cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn của mình! Tôi lại cứ nghĩ mà càng ngạc nhiên về niềm hứng thú ẩn trong trang huyền sử, rằng đức thánh Từ Đạo Hạnh năm xưa học đạo nơi chân trời góc bể trở về, trên đường lan tỏa lẽ từ bi Phật pháp, người đã dạy dân múa rối nước. Đạo huyền vi với trò nghề chân thực, sinh động, lại hấp dẫn như thế nữa, cùng ở vào trong một con người, một hành trạng, để thấm vào mạch chảy thôn dã những miền đất. Người là bậc thánh nhân, đời xưa đời nay bốn mùa hương khói, nhưng cứ thử tưởng một non trưa nào đó giữa mặt nước soi bóng Sài Sơn kỳ vĩ, người cười sảng khoái khi đẩy chiếc sào rối, hay lom khom đứng bên cạnh một nông dân mà chăm chú nắn bàn tay cầm cán sào để người học nghề giữ cho quân rối được nhô cao hơn trên mặt nước. Trên bờ, nồi nước chè với rá khoai luộc bà cụ nào mới mang ra đợi mấy thầy trò.
Tưởng thế mà thấy bóng dáng linh thiêng vừa lưng chừng vách núi, vừa như đang ở lẫn những bóng áo nâu dưới đồng ruộng, gần gũi nhường bao. Có phải chính một phần ở những quân rối thô mộc, hồn hậu như thế, mà hôm nay bao nhiêu thiêng liêng vẫn còn ở lại? Tôi bước vào hang Thánh hóa trên núi Sài Sơn – núi Thầy, tương truyền khi xưa nơi này đức thánh Từ nhập Niết bàn. Hang nhỏ, bảng lảng, âm âm, trong mát. Không thể cảm nhận được dấu người, mà hôm nay, chỉ có nắng rọi vào theo những giờ khác nhau trong ngày cho ta thấy vẻ đẹp của ánh sáng ở trên cao. Người không thấy, nhưng dưới chân núi, nơi chùa nghìn tuổi, linh thiêng được hiển hiện ra bằng tượng. Có tượng người thiền định. Có tượng mà dân địa phương kể, rằng đặt ở trong khám thờ, dịp lễ hội mở ra bao sái, thì tượng… đứng lên! Đấy có phải là trò nghề đã đi cả vào phía sau hương khói để ẩn trong ấy mà gửi ra một nụ cười, gieo niềm thành kính lẫn sự trầm trồ! Đấy có phải là nghệ thuật, là trầm tích của mồ hôi, ánh mắt, tay khéo đã lặn vào nhịp khoai lúa quê mùa mà tỏa thêm phép màu!
Liệu có bởi phép màu nào đó lôi cuốn, mà tôi cứ lang thang xuyên làng xuyên quê mãi, cứ trở đi trở lại như tìm thêm ở đó thấy một phần gì của mình. Làng Cổ Trai, xã Đại Xuyên ở Phú Xuyên – Hà Nội, người cựu chiến binh biên giới sau bao năm đi kinh tế mới trong Lâm Đồng, nay về lại làng, vắng gia đình, không tiền bạc, một ngày sau Tết đẩy lên facebook đoạn clip quay cảnh cướp cháo tưng bừng ở làng đúng dịp Nguyên tiêu. Hàng nghìn người vào xem. Quá đỗi lạ lùng với tập quán xưa phổ biến ở nhiều nơi nhưng chủ yếu vào ngày rằm tháng bảy! Mà cướp cháo, chắc chẳng còn mấy, bây giờ chỉ thường gặp trong trang sách tả lại không khí nghi lễ dịp xá tội vong nhân ngày trước. Còn bây giờ, chúng ta thường chỉ thấy các mâm lễ riêng của mỗi nhà trong những ngày này. Lễ xong bánh kẹo, bỏng, mấy khúc ngô, khoai lang luộc, ít hoa quả thì gia chủ chia cho trẻ con trong nhà và hàng xóm. Không còn cảnh cướp cháo nữa, cũng có khác đi rồi! Nhưng ở làng kia, xã kia, nơi ruộng đồng và thôn xóm chia ra bên đường cao tốc và cũng đã chuyển mình bê tông hóa, người ta vẫn cướp cháo, lại vào dịp Nguyên tiêu! Tôi không nghĩ điều này như một phép màu hay điều phi thường, nhưng sự tồn tại, tiếp diễn của nó, hẳn cũng có những nguyên cớ lạ lẫm nào đó chờ giải đáp. Còn những gì đã đổi thay, đã không còn, có lẽ cũng không trách được, hay có phải là phép màu đã bay xa, để chỉ còn lại là những thô tháp, trần trụi và thực dụng?
Chợt nhớ đến sự háo hức bất chợt của bố tôi mấy lần nhà có việc lễ ở chùa Lý Quốc Sư. Cúng xong, các bà các cô dỡ mấy mâm lễ xuống, bố tôi bỗng dưng háo hức gọi đám trẻ con và cả thanh niên: Chúng mày đâu xông vào cướp đi! Vào cướp cháo đi! Cả nhà thấy thế thì cũng vui, nhưng đến lứa người hôm nay thì thôi, không đứa nào cướp nữa. Chắc ngày xưa bố tôi bé, hay thấy cảnh cướp cháo, cướp bỏng với ổi, khoai đủ thứ linh tinh. Hoặc bố tôi cũng hay tranh cướp với bọn cùng phố. Trẻ con lăn vào nhặt lấy, giành nhau đồ ăn lặt vặt vừa lễ xong, thậm chí có thể coi là những thứ ma vừa ăn xong, thì kể cũng vui lắm! Nó như một đoạn kết lại vỡ ra, bừng lên, có thể cười được, vui được sau một chặng dài của một chiều, một tối xuýt xoa khấn, lễ, một chặng người người lặng im nghe tụng kinh, cử chỉ nào cũng đều rón rén, khép nép. Bây giờ không cướp cháo nữa, là tôi thì có khi tôi cũng chỉ nghĩ trong đầu mà không nói ra. Có khi nói ra miệng thì mình cũng chỉ đứng đấy mà thôi, chẳng cướp, chẳng giành cái gì nữa cả.
Thế thì phép màu còn ở đấy hay đi đâu, giữa những vận động nhẫn nại đời người trong trôi nổi thời cuộc, xáo trộn phố phường. Tôi đi, để ý xem xem còn ở đâu những phép màu trong phố. Những phép thiêng liêng, kỳ vĩ, dài xa, lớn rộng của khoảng không đất trời rộng rãi huyền sử, dã sử và núi rừng, sông ngòi, làng mạc có còn nữa không, hay phép màu đã co lại với thời cuộc chuyển di, với bừa bộn, với đồ đạc, phương tiện? Liệu có còn phép màu nữa trong ngày quay quay những đường phố mà bước chân vào có thể là cuộc đánh đu thật dài? Tôi vào đền liệt sĩ phường Hàng Gai, có tên bác tôi ở đấy, liệt sĩ thời chống Pháp. Có phép màu nữa không, trong những gia đình con cháu đỡ bố mẹ, ông bà gầy guộc, xiêu vẹo bước vào, run run nén hương nước mắt trước tấm bia lớn thơm mùi hoa khói, trong chén trà nóng từ bà giữ đền cũng là vợ liệt sĩ năm 1968, đang khẽ khàng rót mời và hỏi han chỗ ở, ký ức về người xưa, ký ức những phố qua thời chiến, thời bình, qua cơ chế mỏi mòn và khốn khó? Liệu đã có phép màu nào đỡ người ta xiêu vẹo đi, nhọc nhằn đi, vững bền đi, cắm cúi đi, hay vừa đi vừa hy vọng, xuyên qua những tháng năm ấy không?
Và hôm nay, phép màu hôm nay có ẩn khuất đi không, để liệu có phải mạnh mẽ, kỳ công, phải bao dung, hào hiệp trong ăn ở, trong đối xử và vận hành đường đời mình, thì ta mới gặp? Phải gắng biết bao nhiêu thì phép mới hiện ra, chứ không thể đứng mãi nhìn trời, chờ đợi. Không biết nữa, chỉ thấy những ngày này các gia đình đã nhắc nhau đến ngày đó sẽ sửa soạn hương, hoa, áo sống nghiêm cẩn, thắp hương sớm ở nhà, rồi cùng ra đền liệt sĩ, ra chùa… nhớ thương, vọng niệm. Có thêm sức lực mà lưu giữ hôm qua, mà bền bỉ sống tiếp hôm nay đến đâu, thì có khi, phép màu dù mỏng manh, vẫn loáng thoáng theo người ta đến đấy. Và rồi như một lẽ đời thường quanh ta, những phép màu, có khi lại là buồn vui, khóc cười, nhớ nhung và yêu thương giản dị, là cố gắng và cố sống qua một thời nhiều lo toan.