LTS: Trăng không ít bóng là tiểu thuyết trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng và Nhà xuất bản Lao Động cấp phép phát hành năm 2018.
Đêm trắng ở Lêningrát (Phần 1)
(tiếp theo)
Hai đôi mắt, một xanh, một đen nhìn xoáy vào nhau rất lâu. Lâu đến mức đôi mắt đen không chịu nổi vẻ choáng ngợp đẹp đến mê hồn của đôi mắt xanh đã phải khép hờ lại. Đúng lúc Ivan đặt lên đôi môi của chiếc miệng hơi rộng của Lài một nụ hôn rất nhẹ. Không thấy Lài phản ứng gì, hai tay Ivan giữ chặt lấy mái đầu xanh của Lài, úp mặt mình vào đấy hôn một nụ hôn thật mãnh liệt và dài đến mức Lài gần như tắc thở. Lúc Ivan buông tay ra, khuôn mặt Lài ngơ ngác ngắm nhìn cảnh vật, rồi nhìn vào khuôn mặt rất đẹp trai có đôi mắt xanh chiếc mũi dọc dừa thẳng của Ivan cứ nghĩ đây không phải là sự thực, mà mình đang mộng du.
- Trai gái hôn nhau là thế này ư? - Lài hổn hển hỏi Ivan, đồng thời cũng là hỏi chính mình. Bởi ở tuổi ngoài ba mươi, lần đầu tiên Lài cảm nhận được hương vị của nụ hôn là thế nào! Chiến tranh là như thế! Đã có hai người đàn ông đi qua đời Lài mà bây giờ Lài mới hiểu được nụ hôn đầu đời là gì. Với Trọng và Hùng, cho đến tận bây giờ, đến tận lúc này, Lài đều cảm thấy một nỗi niềm thương cảm xót xa đến vô bờ. Còn đối với Ivan cảm giác từ lúc đầu chóng mặt khác xa rất nhiều… Nhưng Lài là con người có tính sắt đá… bởi thế Lài luôn đặt ý chí của khối óc đè nén, chế ngự sự rung động của trái tim… Ivan thấy Lài ngỡ ngàng như thiếu nữ mười bốn, mười lăm. Thậm chí còn ngỡ ngàng hơn cả Tachianna… thì vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Lần trước thì Tachianna chủ động, chủ động hoàn toàn trong việc dẫn dắt cuộc đời. Còn Ivan lúc này… là người chủ động. Ivan vòng tay ra sau lưng Lài ôm ghì lấy thân thể hơi đẫy đà, hôi hổi sức sống của Lài. Lài cũng vòng tay ôm lấy lưng Ivan, lần này thì Lài có phần lấn lướt hơn…
Cả hai cứ xoắn lấy nhau như thế, tưởng chừng như không rời nhau ra được. Nhưng rồi Ivan nới lỏng ra trước. Một tay vẫn giữ eo Lài, tay kia được tự do bắt đầu cởi ba chiếc cúc to trên áo vét màu trắng của Lài. Tiếp tục đến hàng cúc áo sơ mi. Khi bàn tay Ivan hơi run run định nhấc chiếc suchiêng lên thì Lài đưa tay ra nắm chặt lấy tay Ivan và miệng thì thào “không được!”. Tiếng kêu khẽ của Lài như càng kích thích sự tò mò của Ivan. Hai chiếc chỏm mũ bị lật lên bàn tay Ivan thẫn thờ và hẫng hụt khi thấy một trái gò đồi đã bị san phẳng, chỉ còn để lại một mảng sân bay bằng bàn tay, trơn nhẫy… Nhưng điều Lài lo ngại đã không xảy ra. Ivan không bỏ chạy mất dép mà ngược lại đã úp mặt mình vào vết sẹo lớn đó một lúc lâu. Đến khi thấy mấy giọt nước âm ấp rơi xuống, Lài bảo:
- Ivan, việc gì anh phải khóc.
- Anh khóc vì thương Lài… thương Tachianna và… thương sự mất mát hy sinh của con người… do chiến tranh.
- Không sao mà! Cái gì mất thì đã mất rồi… kể cả sinh mạng con người… còn sống như chúng ta thì vẫn… phải sống chứ!
- Em nói đúng! Sống… để yêu nhau. Đúng không?
- Riêng việc này… thì em… đồng ý với anh!
Mới bốn giờ sáng mà mặt trời đã đỏ ối phía Đông sau lưng họ. Ivan bảo:
- Đêm trắng đã hết rồi! Chúng ta về nhà chứ?
- Vâng! - Lài trả lời một câu rất nhẹ.
Về tới căn hộ của Ivan, hai người đều cảm thấy đói. Sau khi ăn bánh mì bơ, phomát và uống trà chanh, Lài nói:
- Em thấy buồn ngủ quá! Đêm qua chúng ta đi bộ hơi nhiều.
- Anh cũng muốn ngủ lắm rồi!
- Anh xin lỗi… Đã lâu quá rồi! Anh chưa làm nhiệm vụ của… đàn ông. Vừa tụt xuống Ivan đã thì thào.
- Không sao mà!... Em cũng thế!... Đây là lần thứ hai… em được làm công việc của người đàn bà, - Lài vừa ôm cổ Ivan vừa thì thào đáp lại. – Chúng ta ngủ đi… “chàng sĩ quan bạch vệ” của em.
Giấc ngủ đến với anh ta rất nhanh. Còn Lài, vẩn vơ trong đầu đủ mọi chuyện. Nhiều lúc không biết mình tỉnh hay mơ. Đến khi vừa chợp mắt được một tý thấy tiếng nước trong buồng tắm xả rất mạnh. Rồi thấy Ivan quấn chiếc khăn bông trắng quanh vùng nhạy cảm bước vào. Ivan cúi xuống hôn lên môi Lài một cái rất dài. Lài nhắm hờ hai hàng mi như chờ đợi. Lần này khả năng thuần thục của người đàn ông còn rất khỏe mạnh đã trỗi dậy… Nhưng không hiểu sao Lài vẫn có cảm giác hẫng hụt. Cố nén một tiếng thở dài, Lài cố nở một nụ cười mãn nguyện.
Nhưng Ivan vốn là người đàn ông thông minh nên cũng dễ dàng nhận ra sự gượng gạo của Lài. Hạnh phúc đến với con người quả thực không dễ dàng một chút nào.
- Từ sáng đến giờ em chưa ngủ… đúng không? - Ivan hỏi. Bây giờ em cố chợp mắt lấy… một tiếng. Còn anh ra chợ nông trang mua ít đồ ăn…
- Không! Em muốn đi cùng anh, - Lài nũng nịu bảo.
- Em thiếu ngủ… lấy đâu ra tỉnh táo để… nấu ăn?
- Không sao mà! Thời chiến tranh… em quần quật cả đêm dưới pháo sáng, dưới bom đạn… dưới cả mưa lũ… mà ngày hôm sau vẫn tỉnh… như sáo… hát hò trêu nhau…
Có lẽ đây là những ngày hè đầm ấm, bình yên, hạnh phúc nhất trong cuộc đời Lài. Chị tạm gác lại tất cả mọi sự trên đời này… để tận hưởng tuần trăng mật với “chàng sĩ quan bạch vệ” đẹp trai mà dường như số phận đã khéo xếp sắp và đền bù cho chị.
Hai người chỉ đi chơi đêm trắng một lần. Phải một lần thôi! Nhưng như thế cũng là quá đủ đối với Lài. Ban ngày họ rủ nhau đi công viên, đi viện bảo tàng, hoặc rẽ vào rạp chiếu bóng xem phim. Tối đi nhà hát xem vũ balê, nghe nhạc cổ điển. Còn đêm… trước và giữa hai giấc ngủ… họ làm phần việc mà tạo hóa… bắt họ phải làm.
Rồi những ngày hè dịu mát xứ lạnh đã qua rất nhanh. Lớp đào tạo vào năm học thứ hai – năm học cuối cùng. Cũng như mọi người, Lài lên lớp hai buổi một ngày. Tối về ôn bài, đúng với khẩu hiệu tại các tiệc cưới thời chiến tại Việt Nam, vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Các học viên trong lớp học có người mừng cho Lài, có người ghen tị với Lài.
Nhưng về lý, một đằng trai chưa vợ, một đằng gái đã góa chồng, tại sao họ lại không đến với nhau được. Nhất là bấy giờ đã là đầu những năm tám mươi của thế kỷ 20 rồi. Ivan thì muốn tối nào Lài cũng đến căn hộ bốn buồng của mình… Lài thì vẫn giữ nguyên kỷ luật: chỉ có tối thứ bảy và ngày chủ nhật.
Thời gian trôi như tên bắn. Trong sắc nắng nhạt của mùa thu đã thấy những cây phong, cây sồi như khoác một tấm áo mới với những chiếc lá vàng rực làm nôn nao lòng người. Rồi mùa đông ập đến với những trận bão tuyết gào thét suốt đêm ngày. Nhưng dường như tất cả các học viên đã thích nghi được rồi, không còn bỡ ngỡ, sợ hãi như năm đầu. Còn với người Nga, mùa nào đối với họ cũng đều có cái thú vị riêng. Thậm chí đối với Ivan mùa đông này có Lài ở bên thực sự là mùa đông ấm áp nhất trong đời.
Thế rồi vào một đêm thứ bảy, mặc cho bão tuyết gầm thét bên ngoài cửa sổ, Ivan trầm ngâm một lát rồi nói:
– Không biết ai đó đã có lần nói với anh là “Người chết thì cũng đã chết rồi. Người sống dù đau khổ thế nào thì cũng phải tiếp tục sống chứ”. Anh thấy lời nói đó thật chí lý… nhất là đối với anh và em trong lúc này.
- Nhưng em nói rất thật với lòng mình rằng… ước gì chị Tachianna trở về… đúng lúc này. Không sớm hơn và cũng… không muộn hơn!
- Tại sao lại như thế!
- Bởi nếu chị Tachianna về sớm hơn một năm thì em đã… không có được “chàng sĩ quan bạch vệ” bên mình… thời gian qua. Mà muộn hơn nữa thì… câu chuyện của chúng mình rồi sẽ… đi đâu… về đâu?
- Em nói gì… anh không hiểu? Em muốn đề cập đến vấn đề gì?
- Vấn đề gì ư? Anh có thấy mùa hè đã đuổi đến rất gần rồi sao… Rồi lớp học sẽ kết thúc…
- À, anh hiểu ra rồi, - Ivan nói như cướp lời của Lài. - Khi lớp học kết thúc… chúng ta sẽ làm lễ kết hôn… Điều đó là hợp lý chứ sao?
- Đúng rồi!... Chúng ta sẽ làm lễ cưới. Nhưng… em thì không ở lại đây với anh được rồi! Vì sao? Vì em được cử sang đây học để trở về phục vụ đất nước. Thêm nữa, em có cố tình ở lại… thì ngoài việc ăn bám vào đồng lương giáo sư của anh, em sẽ làm gì được ở đây? Em mới ngoài ba mươi… em cần phải làm việc… nói là cống hiến cho to tát… Nhưng thực ra em phải làm việc ít nhất là gần ba mươi năm nữa…
Đấy là em chưa nói tới việc đứa con ở Việt Nam sẽ sống ra sao nếu không có em ở bên cạnh. Nó sẽ cảm thấy tổn thương thế nào khi mẹ nó bỏ lại nó một mình… để sống với người mà theo nó là hoàn toàn xa lạ!... Còn anh, vì tình yêu… anh có thể sang Việt Nam được không? Anh sẽ quả quyết với em với mọi người rằng tại sao không? Nhưng cũng như em, sang Việt Nam anh sẽ làm gì? Em đã nghĩ rồi… Không có việc gì thích hợp với anh cả… Anh có thể không làm việc một vài tháng… Chứ không thể… nghỉ làm việc… cả đời! Đúng không?...
- Em nói rất có lý, - Ivan trầm ngâm một lúc mới thốt lên. - Nhưng… lẽ ra em không nên nói điều ấy vào lúc này…
Lài mủm mỉm cười, hai chiếc lúm đồng tiền lún xuống đôi má trắng phau nên càng có duyên, rồi nói:
- Đàn bà… nhất là đàn bà Việt Nam vốn hay lo xa. Nói vào lúc vui nhất là lúc thích hợp nhất. Để chúng ta có thời gian mà cân nhắc thiệt hơn. Đời em ngay từ lúc bước chân vào cấp ba đã bắt đầu mơ về nước Nga xa xôi… Nơi có những cuốn tiểu thuyết, những bộ phim, những bài hát… làm say đắm lòng người… Nước Nga nói riêng và Liên bang Xô Viết nói chung là anh cả của phe, là thành trì của cách mạng thế giới… Bởi thế không chỉ có chị em em, mà rất nhiều… rất nhiều người dân Việt Nam đều ao ước đến nước Nga… Bây giờ giấc mơ về nước Nga của em đã còn trên cả sự thực. Em không chỉ được đến học hành ăn ở tại thành phố tươi đẹp nhất của nước Nga… mà số phận đã run rủi sắp đặt cho em được yêu một người thuần Nga và điều hạnh phúc lớn lao hơn là được người ấy yêu lại! Vì sao lại có chuyện ấy, “chàng sĩ quan bạch vệ” yêu dấu của em.
- Vì sao ư? Đầu tiên anh cũng không tài nào cắt nghĩa được… Cái buổi đầu tiên trên sân ga Mátxcơva ấy… khi bắt gặp vết sẹo lớn trên trán em… Tiếp đó là bàn tay trái… chỉ còn hai ngón… một niềm cảm thương vô tận đã dâng tràn trong lòng anh. Một người phụ nữ đã từng trải qua sự khốc liệt… một mất một còn của chiến tranh. Cái con người này cũng giống như Tachianna của anh. Chỉ có điều may mắn hơn là… đã còn sống, đã trở về…
Có em ở bên… trong lòng anh đã cảm thấy khỏa lấp được nỗi trống trải mà Tachianana đã để lại hơn ba mươi năm qua… Yêu em anh lại cảm thấy yêu Tachianna hơn rất nhiều… Nay em lại nói đến sự chia ly… anh cảm thấy hụt hẫng vô cùng... Nhưng thôi! Đó việc của nửa năm nữa!... Bây giờ thì chúng ta cứ tự nhiên mà tận hưởng cái điều mà Thượng đế đã ban tặng cho loài người…