Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa hanh khô chuẩn bị bước sang năm mới Hà Nội lại lát vỉa hè. Sự bất tiện là điều thấy rõ nhất khi mà vỉa hè của những tuyến phố liên tục bị cày xới. Nhưng điều quan trọng là thay vì lát bằng gạch, cơ quan chức năng của Hà Nội đã lát bằng đá được cho là có độ bền từ 50-70 năm nhưng rút cục là sau 1 thời gian ngắn vỉa hè lại được… lát lại.
Cách đây 4 năm, từ năm 2016, Hà Nội quyết tâm cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến hết năm 2020 vỉa hè của hơn 900 tuyến phố tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm, hoặc gạch bê tông vân đá. Nhưng thật đáng tiếc, tới nay trên một số tuyến phố, vỉa hè được lát đá rất đẹp cũng lại bong tróc.
Nói như một người dân ở quận Hai Bà Trưng thì khi bắt đầu thay gạch bằng đá tự nhiên, vỉa hè Hà Nội đã khoác lên một tấm áo mới. Nhưng nói đá này có độ bền tới 70 năm là điều khó tin và thực sự chỉ được một thời gian ngắn, đá của vỉa hè đã bắt đầu bị vỡ và hư hỏng. Vậy, vì đâu nên nỗi?
Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa hanh khô chuẩn bị bước sang năm mới Hà Nội lại lát vỉa hè. Sự bất tiện là điều thấy rõ nhất khi mà vỉa hè của những tuyến phố này liên tục bị cày xới. Nhưng điều quan trọng là thay vì lát bằng gạch, cơ quan chức năng của Hà Nội đã lát bằng đá được cho là có độ bền từ 50-70 năm nhưng rút cục là sau 1 thời gian ngắn vỉa hè lại được…lát lại.
Tuổi thọ không như kỳ vọng
Sống ở Hà Nội mấy chục năm chứng kiến cảnh cứ cuối năm ở rất nhiều con phố cảnh bụi mịt mù từ việc lật lên, đào xuống mới thấy sự bất tiện của nó. Người dân tham gia thông khó chịu 1 thì người sống ở những khu phố mà vỉa hè cầy xới ấy khó chịu 10. Nhất là đối với những hộ kinh doanh ẩm thực thì không thể buôn bán được gì. Tất cả những sự đào xới lát lại vỉa hè đều liên quan đến chất lượng gạch đá lát.
Thế là từ năm 2016, Hà Nội ban hành quy định về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến hết năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến phố tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm hoặc gạch bê tông vân đá để tránh cảnh đến hẹn lại lát vỉa hè gây bức xúc trong dư luận.
Tính đến tháng 9/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra 12 dự án lát đá vỉa hè tại 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Ba Đình. Sở Xây dựng yêu cầu thời gian tới, các đơn vị thi công hạ ngầm cùng chỉnh trang vỉa hè, thực hiện cấp phép thi công một lần, tránh trường hợp đào vỉa hè nhiều lần, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, Sở này đã ban hành hướng dẫn quy định cụ thể với các dự án lát đá vỉa hè (phần nền, phần bê tông lót và lát đá); dự án phải hạ ngầm xong công trình mới lát đá. Sở Xây dựng cũng thành lập tổ công tác phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát việc áp dụng vật liệu lát hè, kết cấu hè trong công tác thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 đến 2 năm, nhiều đoạn vỉa hè ở các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Đình Chiểu,... gạch đá bắt đầu vỡ nát, hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân sống khu vực quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Thành phố tuyên bố đá vỉa hè có độ bền 70 năm nhưng được 2 năm đã hỏng. Đá hỏng thì phải thay mới, lát đá lại là việc làm rất cần thiết, để bảo đảm cảnh quan đô thị. Nhưng rất mong các cơ quan chức năng phải tính toán cẩn thận, đưa ra những phương án khắc phục để bảo đảm chất lượng và độ bền vững cho đá lát vỉa hè, tránh lãng phí, tốn kém”.
Đồng ý với chủ trương của TP Hà Nội về việc thay lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thoan (quận Hoàn Kiếm) nêu quan điểm: Sau khi được lát đá cũng như sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường sẽ tạo được cảnh quan thống nhất và có giá trị sử dụng lâu dài. Thực tế cho thấy, các loại gạch trước kia lát được vài tháng là bắt đầu mất màu, một số chỗ mặt vỉa hè mấp mô. Mưa nhiều còn bám rêu mốc, không an toàn, mất mỹ quan đô thị và cứ 3-4 năm lại phải thay một lần.
Cứ đào lên, lấp xuống khiến phố phường lem nhem, đời sống người dân bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng ngay cả đá tự nhiên cũng hỏng là một vấn đề khiến người ta phải suy nghĩ và dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về chất lượng của các công trình này.
Vậy việc lát đá tự nhiên có hiệu quả như kỳ vọng? Anh Võ Tiến ở quận Hai Bà Trưng nói: “Khi bắt đầu thay gạch bằng đá tự nhiên, vỉa hè Hà Nội đã khoác lên một tấm áo mới. Nhưng nói là đá này có độ bền tới 70 năm là điều khó tin và thực sự chỉ được một thời gian ngắn, đá của vỉa hè đã bắt đầu bị vỡ và hư hỏng.
Vì đâu nên nỗi
Vậy đâu là nguyên nhân khiến những viên đá được lát chắc chắn trên vỉa hè lại có tuổi thọ ngắn như vậy. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam trong nhiều năm nay, TP Hà Nội thay đổi rất nhiều vật liệu để lát vỉa hè, từ vật liệu gạch thiên nhiên cho đến các gạch lục giác, gạch con thoi, gạch xây chèn... nhưng đều không đảm bảo về tuổi thọ.
“Hà Nội có chủ trương xây dựng lát vỉa hè bằng đá có tuổi thọ khoảng 50-70 năm. Đây là chủ trương đúng nhưng trong thực tiễn chúng ta thấy không phải nó ổn định như thiết kế mong muốn, nhiều khu vực đã bắt đầu có rạn nứt và có những dấu hiệu không bền vững, sắp phải thay thế lần nữa” - ông Nghiêm nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để bảo đảm độ bền vĩnh cửu của đá vỉa hè thì các cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu đá phù hợp với từng khu vực. Cần xem xét nguồn gốc của loại đá từ mỏ nào, tính hóa lý, độ bền vững, độ thấm nước của đá, không trơn trượt...
Việc tính toán phải chi tiết, cụ thể để bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Việc trồng cây cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh để tình trạng cây mọc, phát triển làm bong tróc, hỏng vỉa hè. Muốn làm được việc này, cần thành lập hội đồng thẩm định, đấu thầu, xem xét và nghiệm thu để tìm ra loại đá tốt. Lát đá mà thỉnh thoảng lại lật lên làm các công trình hạ ngầm rồi được thi công lại một cách cẩu thả thì chẳng vật liệu nào chịu nổi.
Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý
Về giải pháp xử lý với những đoạn đã bị hư hỏng theo ông Nghiêm phải tìm ra những nguyên nhân cụ thể của việc hư hỏng. Chẳng hạn, những viên đá nứt đôi hoặc mất góc thì phải tìm hiểu nguyên nhân do chất lượng đá hay lý do khác. Những khu vực đá bập bênh, nhất là chỗ các trường học thì phải xem lớp nền bê tông có đảm bảo hay không. Sau khi lát đá không có thời gian bảo dưỡng nên mới xảy ra hiện tượng đó.
Đặc biệt, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng đề nghị, cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội. “Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị liên quan chính, là cơ quan quản lý cần phải chịu trách nhiệm trước thành phố về toàn bộ công tác giám sát, thi công lát đá vỉa hè” - ông Nghiêm nói.
Ngoài ra, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc đá lát vỉa hè vừa sử dụng đã hư hỏng còn có trách nhiệm của các đơn vị thi công. “TP Hà Nội đã có chỉ định thầu giao các công ty, đây là những dự án giao khoán, cho nên các công ty thi công, công ty nhận thầu cũng phải chịu trách nhiệm” - ông Nghiêm cho biết thêm.
Cũng theo ông Nghiêm, các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá. Đá được đóng theo kiện, tuy nhiên khi được giao đá để lát vỉa hè, các công ty vật liệu xây dựng cũng cần phải kiểm tra chứ không chỉ đếm theo kiện.
Vị chuyên gia này nhận định còn có trách nhiệm quản lý của các cấp phường, quận, huyện trong việc tổ chức giám sát, có thể do không tổ chức giám sát quá trình thi công nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Còn ông Trần Ngọc Chính đề xuất, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong và sau khi thi công cũng rất cần thiết, nhằm bảo đảm thi công đúng theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình đang thi công. Bởi theo ông Chính, chỉ cần một người dân thiếu ý thức, đỗ xe hoặc đi vào chỗ công trình vừa thi công, hoặc ngay cả khi vỉa hè đã lát xong mà xe cộ vẫn trèo lên đề đi thì để giữ tuổi tác cho đá lát vỉa hè là điều rất khó.
KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đá vỉa hè mới đưa vào sử dụng đã vỡ nát, xô lệch đó là: thiết kế còn mang hình mẫu chung, không phù hợp với từng tuyến phố; chất lượng lớp nền không đảm bảo; chưa phân loại để đảm bảo lối ra vào của nhà ở khác với công trình công cộng, thương mại, trụ sở cơ quan và chất lượng đá tại một số khu vực không đảm bảo. Mặc dù đá được giới thiệu là tự nhiên, chất lượng ổn định, bền vững khoảng 50-70 năm nhưng thực chất có những viên có chất liệu tốt, có những viên chưa đảm bảo chất lượng, khi tạo ra đã có vết nứt sẵn, gây nên hiện tượng không đồng đều, vì vậy cần phải nghiệm thu chặt chẽ.