Thảo luận về Dự thảo Luật Trẻ em (Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất nâng độ tuổi của trẻ em đến dưới 18 tuổi, bởi sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường, tốn kém, đồng thời xung đột với một loạt các luật vừa được thông qua chưa lâu: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Lao động...
Ảnh minh họa.
Loại ý kiến không thống nhất với Dự thảo luật cho rằng, một số luật vừa thông qua thậm chí còn chưa đi vào cuộc sống, chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành, vậy mà nếu thông qua Dự thảo Luật Trẻ em là nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi thì bắt buộc lại phải tiến hành sửa, vậy thì có khác gì đẽo cày giữa đường? Ý kiến này có vẻ hơi cực đoan, song không phải là không có lý.
Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, người được xác định là trẻ em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự cho những hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và một số tội danh được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Nếu thông qua Dự thảo luật sẽ đồng nghĩa với việc những người dưới 18 tuổi khi phạm tội khác sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn tới sự tréo ngoe, không thống nhất ngay trong chính các điều khoản của Bộ luật Hình sự vừa được sửa đổi.
Chính vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, hiện trên thực tế tội phạm xảy ra ở tuổi vị thành niên đang có dấu hiệu gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ bạo lực học đường vi phạm pháp luật xảy ra ngay tại trường học, đối tượng phạm tội là những học sinh lớp 7-8, thậm chí có em giết người dã man với thái độ rất dửng dưng, máu lạnh. Do vậy, nếu đưa tuổi trẻ em lên dưới 18, e rằng mức độ phạm tội ở độ tuổi vị thành niên sẽ khó kiểm soát trong thời gian tới, không tốt cho vấn đề quản lý xã hội.
Bên cạnh đó, khái niệm và cách xác định trẻ em của các bộ luật hiện cũng đã có nhiều bất cập, không thống nhất. Nếu lại thêm quy định mới của Luật Trẻ em sẽ trở thành loạn khái niệm về trẻ em. Cụ thể. Luật Lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, Luật Thanh niên quy định thanh niên là từ 16 đến 30 tuổi, Bộ luật Dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên...
Cũng có một số ý kiến đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi với lý do để không trái với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Song, tại Điều 1, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em nêu: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Như vậy có nghĩa là Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định mở, không bó buộc các quốc gia thành viên phải quy định cứ dưới 18 tuổi là trẻ em.
Dư luận cho rằng, dù là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhưng Việt Nam cũng không thể cứ “ăn theo” quy định của các nước trong bất cứ lĩnh vực nào. Chúng ta là một quốc gia độc lập, có vị trí địa lý, kinh tế - xã hội và thể chế chính trị riêng nên cần có quy định sao cho phù hợp với thực tiễn, chỉ cần đảm bảo không trái với các điều ước quốc tế là được. Chớ làm việc ”đẽo cày giữa đường” phát sinh những hệ lụy xấu khó lường.