Trong khi cuộc chiến với trốn thuế, chuyển giá vẫn chưa rõ hồi kết, thì hiện tượng gian lận thuế, khấu trừ thuế Giá trị gia tăng tiếp tục gây nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào chu kỳ kinh doanh cuối năm, việc mua bán hóa đơn, tiếp tay cho các tổ chức cá nhân hợp thức hóa hàng trôi nổi diễn ra tinh vi. Ngày 17/11, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, ông Viên Viết Hùng có cuộc trao đổi với báo giới về những vấn đề nêu trên.
Ông Viên Viết Hùng.
PV: Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai sử dụng công nghệ thông tin trong đối chiếu hóa đơn từ những năm 2013 để chặn tình trạng gian lận thuế. Thế nhưng tình hình tội phạm thành lập doanh nghiệp “ma” để mua hóa đơn, hợp thức hóa hàng nhập lậu vẫn phức tạp nhất là thời điểm cuối năm vào mùa kinh doanh?
Ông Viên Viết Hùng: Thông qua ứng dụng giải pháp đối chiếu hóa đơn, Cục Thuế đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, gian lận thuế. Cụ thể Cục thuế đã phát hiện và thông báo cảnh báo đến trên 20.000 lượt doanh nghiệp với trên 130.000 số hóa hơn được xác định là có dấu hiệu bất hợp pháp, với số tiền thuế VAT là trên 400 tỷ đồng. Đến nay các doanh nghiệp được thông báo đã tự điều chỉnh trên 200 tỷ đồng tiền thuế GTGT vào NSNN.
Sử dụng công nghệ thông tin trong đối chiếu hóa đơn đã hỗ trợ cung cấp ứng dụng tra cứu hóa đơn của đơn vị bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh cho cán bộ thuế, cho các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hiệu quả nhất.
Cũng thông qua ứng dụng này, Cục thuế TP Hà Nội đã phát hiện chuyển cơ quan điều tra và phối hợp cung cấp thông tin điều tra những ổ nhóm lớn chuyên thành lập doanh nghiệp để bán hóa đơn trái phép như vụ Nguyễn Trường cầm đầu đã thành lập 16 doanh nghiệp, vụ Đinh Thị Văn thành lập 6 doanh nghiệp hay gần nhất là vụ Lê Văn La và Nguyễn Thị Dậu thành lập 8 công ty để mua bán hóa đơn trái phép… Cơ quan thuế đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an Hà Nội tiếp tục điều tra xử lý đối với các đơn vị đã mua, sử dụng hóa đơn trái phép.
Thưa ông, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp quá nhiều rắc rối trong việc hoàn thuế? Ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp?
- Trong thời gian vừa qua, với việc quy định về hóa đơn chứng từ được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn, thì tình trạng xuất hóa đơn khống, hoặc gian lận để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước cũng xảy ra phức tạp hơn. Chính vì vậy, Cục thuế TP Hà Nội đã đưa các giải pháp để phòng ngừa và ngăn chặn dựa trên phân tích dữ liệu tại cơ quan thuế được sàng lọc một cách cẩn thận và chi tiết đến từng số hóa đơn.
Chúng tôi cũng đề nghị các chủ doanh nghiệp một số nội dung cụ thể để hạn chế tối đa rủi ro. Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà mua hàng hóa trôi nổi, mua hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức. Các doanh nghiệp cần tổ chức quản trị doanh nghiệp chặt chẽ đảm bảo việc mua bán hàng hóa kèm hóa đơn minh bạch rõ ràng.
Tiếp đó, các doanh nghiệp cần có quy trình rõ ràng minh bạch, có cơ chế kiểm soát việc mua bán vật tư hàng hóa và thanh toán các chi phí, không để những cán bộ lợi dụng tình trạng có thể mua hóa đơn bất hợp pháp để thanh toán các chi phí, việc này có thể dẫn đến tình trạng chính doanh nghiệp bị chiếm đoạt tiền do các cá nhân đã đẩy tăng chi phí lên trên hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời có thể doanh nghiệp sẽ bị cơ quan thuế kiểm tra kiểm soát xử lý vi phạm do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Trân trọng cảm ơn ông!