Dẹp phí bôi trơn

Duy Phương 10/01/2018 10:00

Tới nay, những cụm từ “phí bôi trơn” hay “chi phí không chính thức”, “chi phí ngoài luồng”… đã không còn xa lạ, nhất là đối với doanh nghiệp. Sở dĩ nói như vậy là bởi doanh nghiệp khi bước chân vào thương trường, mối lo đầu tiên của họ là làm thế nào để không bị “hành”.

Dẹp phí bôi trơn

Một biếm họa cho thấy nạn “phí bôi trơn” vẫn rất nhức nhối.

Và để tránh bị “hành”, tốt nhất là phải “bôi trơn” nhà quản lý. Vì chỉ cần đầu xuôi, tất yếu đuôi sẽ lọt. Tư duy này, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, biết là sai nhưng muốn yên ổn thì không thể không làm.

Không ngạc nhiên khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố một con số: Trên 30% số doanh nghiệp (DN) khi được hỏi đều khẳng định: Có hiện tượng chi phí không chính thức.

Đáng nói, theo quy luật thông thường, người làm sai hay phải sử dụng nhiều chiêu thức “lobby” để che giấu khuyết điểm, thế nhưng trong môi trường kinh doanh thực tế lại khác, sai cũng phải chi phí “bôi trơn”, mà đúng cũng phải “bôi trơn”. Nhiều DN chia sẻ, họ sợ nếu không bôi trơn, sẽ bị phân biệt đối xử.

Cũng trong một khảo sát của VCCI, phản ảnh của cộng đồng DN cho biết, những hình thức phân biệt đối xử phổ biến (nếu không chi trả chi phí không chính thức - PV) có thể là bị kéo dài thời gian làm thủ tục, hoặc gặp khó khăn hơn trong những lần thanh tra, kiểm tra, bị suy diễn và áp dụng những mức xử lý bất lợi...

Và như vậy, rõ ràng kể cả đúng hay không, cứ khi phải giao dịch với cơ quan quản lý, vấn đề đầu tiên mà DN nghĩ đến là phải “lót tay” cho êm chuyện đã.

Và từ đó, dường như phí bôi trơn đã trở thành “luật bất thành văn” không thể thiếu trong kinh doanh. Có vị chuyên gia kinh tế nêu lên nhận định thế này: “Từ cơ chế chính sách, từ con người đến DN, người dân, dường như tất cả đều xúm lại tạo ra mảnh đất màu mỡ để DN buộc phải bôi trơn khi làm việc”. Về phía DN, cho dù làm đúng hay làm sai, họ vẫn phải dành ra một khoản để làm “phí bôi trơn” hay còn gọi là “phí lót tay”.

Về phía nhà quản lý cũng như thành một thói quen, có phong bì thì mới làm việc. Hoặc giả, còn có tình trạng, nhiều cán bộ khi bước chân vào nhà nước làm việc, dù họ không muốn cầm phong bì cũng không được, vì nếu không cầm lại sợ mang tiếng là “dốt”. “Văn hóa phong bì” cứ như vậy, ngày càng lan nhanh, lan rộng trong môi trường kinh doanh.

Nếu cứ tiếp tục tồn tại trong môi trường kinh doanh, hệ quả của phí bôi trơn chắc chắn sẽ làm bại hoại DN, trước hết là bại hoại về kinh tế. Bởi khi DN phải chi phí quá nhiều vào các loại phí ngoài luồng, thay vì tư duy sáng tạo nâng cao năng lực sản xuất, lại chỉ lo tìm cách bôi trơn cán bộ, thì DN sẽ không thể phát triển, không thể tái đầu tư, từ đó kéo theo ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Song, vấn đề nghiêm trọng hơn là đạo đức của con người đi xuống.

Chính phủ mới được dư luận kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để làm sạch môi trường kinh doanh, tạo động lực cho các DN hoạt động sản xuất cũng như khởi nghiệp. Và quả thực, hàng loạt các động thái của Chính phủ mới bằng việc đưa ra các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh đã và đang thanh lọc các thủ tục hành chính, loại bỏ dần các điều kiện kinh doanh, giấy phép con rườm rà cản chân DN. Có thể thấy, chưa bao giờ, Chính phủ lại thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh như hiện nay.

Với mục tiêu tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, nhẹ gánh chi phí, giảm rào cản cho DN, năm 2017 vừa qua là năm Chính phủ đặt mục tiêu giảm thấp nhất các loại chi phí cho cho cộng đồng DN. Chính điều này cũng đã được người đứng đầu Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những cuộc gặp gỡ với DN, gặp gỡ các bộ, ngành, địa phương.

Gần đây nhất, tại cuộc họp tổng kết năm với Bộ Tài chính hôm 8/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nêu lên những bất cập trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đó là tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại, ví dụ như Hải quan vẫn còn tình trạng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế “đi đêm” với DN.

Thủ tướng dẫn kết quả điều tra của VCCI để thấy, chi phí bôi trơn của DN cho công chức thanh tra, kiểm tra vẫn còn lớn. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của DN, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho DN và người dân. Trước thực trạng này, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “DN nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”. Có thể thấy, động thái mạnh mẽ, dứt khoát của người đứng đầu Chính phủ khi quyết định dấy lên phong trào “tuyên chiến với vấn nạn phong bì”. Điều đó càng thể hiện rõ nét hơn những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc đấu tranh dẹp loạn tham nhũng.

Dư luận kỳ vọng, những tuyên bố của Chính phủ nói trên sẽ trở thành hành động thiết thực, dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn phí bôi trơn, triệt tiêu vấn nạn tham nhũng. Bởi, nếu vẫn tiếp tục tồn tại và gia tăng, tham nhũng, phí bôi trơn sẽ trở thành lực cản lớn cho đà tăng trưởng của DN cũng như triệt tiêu động cơ đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp phí bôi trơn