Kinh tế

Dệt may tranh thủ 'chốt' đơn hàng

MINH QUÂN 27/05/2025 09:01

Trong thời điểm Mỹ tạm hoãn áp dụng chính sách thuế quan mới, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may Việt đã chớp thời cơ chốt, gom đơn hàng tại các thị trường như EU, Australia, Hàn Quốc... kéo dài đến hết quý III/2025.

tren.jpg
Nhiều doanh nghiệp ngành may đang khẩn trương hoàn tất đơn hàng để kịp xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Gia tăng thị phần tại nhiều thị trường

Chia sẻ về bức tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) dệt may thuộc hệ thống Vinatex, trong bối cảnh chịu nhiều biến động từ chính sách thuế quan từ phía Mỹ, cũng như những đối tác nhập khẩu lớn, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Trong vòng 6 tháng đầu năm thị trường may mặc có nhiều cơ hội về đơn hàng, thậm chí có thể kéo dài tới hết quý III/2025. Do đó các DN cần chủ động, linh hoạt để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường, hoàn thành ít nhất 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm để có dự phòng cho tổ chức sản xuất, tránh các rủi ro khi thị trường đảo chiều.

Đến ngày 10/7, Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam, cũng như phải chờ kết quả đàm phán của Chính phủ. Tuy nhiên, về mặt tích cực thì tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó trong quý III tình hình về đơn hàng vẫn khả quan. Tuy nhiên sang quý IV có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ giảm.

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Lâm - Tổng giám đốc Tổng Công ty Đức Giang cho biết, hiện công ty đang huy động tối đa nguồn nhân lực, tranh thủ thời gian làm việc để xuất hàng trong thời hạn 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế đối ứng. Với những tình huống phải đàm phán để chia sẻ với khách hàng, thì tùy theo loại hình hợp tác (FOB hay CM) và quy mô quan hệ với từng đối tác, DN này sẽ lựa chọn để làm sao giảm thiểu tối đa phần chi phí phải chia sẻ. “Hiện tín hiệu tích cực là khách hàng tại Mỹ không rút lui hay giảm đơn hàng. Bên cạnh đó, một số thị trường tiềm năng như Australia, Nhật Bản và Trung Quốc đang có những chỉ dấu khả quan. Về tổng thể, đơn hàng duy trì ổn định đến hết tháng 7 và hiện đang tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho tháng 8 và tháng 9” - ông Lâm thông tin.

Còn theo Tổng Công ty May Hưng Yên, hiện đơn vị đã có kế hoạch sản xuất liên tục đến khoảng trung tuần tháng 8 và đang tiếp tục trao đổi để nhận thêm đơn hàng. Ở thời điểm hiện tại, một số khách hàng cũ tại thị trường Mỹ có xu hướng giảm đơn hàng. Nhưng một số khách đang đặt hàng tại Trung Quốc lại có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Cùng đó, thị phần khách hàng từ các thị trường khác như Australia, Anh và châu Âu cũng có xu hướng tăng lên.

Tăng ca để hoàn tất đơn hàng

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEK) chia sẻ: Hiện các đơn vị dệt may đang tận dụng cơ hội Mỹ tạm hoãn áp dụng chính sách thuế mới để gia tăng sản xuất. Trường hợp Mỹ giảm thuế thì DN có thể xuất khẩu bằng đường hàng không với chi phí 3 USD/kg hàng hoá, mức này vẫn thấp hơn so với mức thuế 46%.

Trong khi đó, nhiều DN dệt may cho biết, lo ngại về thuế quan nên nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu thời gian giao hàng gấp rút hơn. Theo Tổng Công ty May Hưng Yên, tình hình sản xuất của May Hưng Yên khá căng thẳng do khách hàng yêu cầu giao hàng đúng tiến độ, không chấp nhận lùi lịch. Yêu cầu này từ nhà mua hàng đã đặt toàn bộ hệ thống sản xuất phải tập trung cao độ để hoàn thành các đơn hàng. Tương tự, đại diện Tổng công ty May10 chia sẻ, khách hàng đều yêu cầu đẩy tiến độ giao sớm, do đó DN phải tổ chức sản xuất linh hoạt và tăng ca để đáp ứng.

Chia sẻ về kế hoạch sản xuất những tháng cuối năm 2025, ông Phạm Văn Việt cho hay, trong thời gian tới, các DN trong ngành có thể xây dựng thêm kế hoạch để mở rộng sang thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nga… Đồng thời, thị trường nào DN đang khai thác tốt cần tiếp tục mở rộng quy mô, hoặc cũng có thể quay về thị trường nội địa với hướng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phát triển thị trường ngách, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do… DN cũng có thể giới thiệu thêm các mã hàng xuất khẩu sang Mỹ đến một vài thị trường truyền thống đang có, dù giá không đạt như mong muốn nhưng có thể giảm bớt rủi ro.

Cũng theo ông Việt, để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro về phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ, hiện các DN đang nỗ lực thu xếp nguyên liệu đầu vào, minh bạch trong chứng nhận xuất xứ, đặc biệt với những đơn hàng sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Vì vậy, các DN cần xây dựng chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường ít bị ảnh hưởng để có nguồn nguyên liệu sản xuất đáp ứng các quy chuẩn từ thị trường nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may tranh thủ 'chốt' đơn hàng