4 năm trước khi thi trượt đại học Bách Khoa, mẹ đứng sau cửa sổ buông tiếng thở dài sõng sượt nhưng bố lại đến bên em động viên: Có nhiều đường để đi đến đích, miễn là con đi bằng chính đôi chân và sự nỗ lực của bản thân. Hãy chọn một nghề mà mình thích, chắc chắn con sẽ thành công.
Chị thân mến,
Có mặt tại Selangor tối 28/9, em đã không nén được xúc động và tự hào khi cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc liên tục được các thí sinh giơ cao trên khán đài. Kỳ thi tay nghề Asean lần 11 đã thành công ngoài sự mong đợi. Đây là lần đầu tiên trong các Kỳ thi tay nghề Asean diễn ra ở nước ngoài, Đoàn Việt Nam giành được số huy chương vàng nhiều nhất, cả 4 nghề đồng đội đều đạt kết quả cao (3 nghề đoạt huy chương vàng, 1 nghề huy chương bạc), trong đó nghề truyền thống vẫn giữ được ngôi đầu.
Em quan tâm đến sự kiện này là bởi lâu nay thấy rất nhiều bậc phụ huynh trong đó có vợ chồng anh chị cứ mải miết đầu tư và kỳ vọng quá nhiều vào việc con mình phải thi đỗ được một trường Đại học nổi tiếng nào đó mà bỏ qua những trường cao đẳng, trung cấp nghề và coi đó là một đẳng cấp thấp. Bằng chứng là tại cuộc hội thảo về kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2015 đã đưa ra một số liệu đáng cho chúng ta suy ngẫm khi chỉ có khoảng 10 % học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đăng kí học nghề. Còn lại đa số các gia đình đều hướng con em mình vào các trường đại học, với khát vọng sau này trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ”.
Và kết quả là số lượng cử nhân ra trường không xin được việc làm, hoặc không muốn làm những việc không xứng với tấm bằng Đại học của mình đã lên đến con số hàng trăm ngàn, thậm chí ở mức báo động…
Chị ạ,
4 năm trước khi thi trượt đại học Bách Khoa, mẹ đứng sau cửa sổ buông tiếng thở dài sõng sượt nhưng bố lại đến bên em động viên: Có nhiều đường để đi đến đích, miễn là con đi bằng chính đôi chân và sự nỗ lực của bản thân. Hãy chọn một nghề mà mình thích, chắc chắn con sẽ thành công.
Bố đã vực em dậy sau một cú sốc tinh thần nặng nề mà xuất phát từ chính sự kỳ vọng của mẹ. Em đã chọn được một nghề phù hợp với năng lực của mình. Sang Malaysia làm việc, nhờ sự chăm chỉ cộng với một chút nhanh nhẹn, tay nghề vững nên mức lương em nhận được cũng tương đối. Tuy nhiên lao động Việt Nam ở nước ngoài như em hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, ít hiểu biết về pháp luật, khả năng thích nghi với văn hóa nước bạn... Là bởi họ chưa được kinh qua những lớp đào tạo chuyên nghiệp.
Chị ạ, trước đây và cả hiện nay, các doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài vẫn luôn “khát” lao động có tay nghề cao. Nhất là khi chúng ta mở cửa thị trường lao động ASEAN lại càng cần những lao động lành nghề để hội nhập. “Cung” là như vậy nhưng “cầu” vẫn còn rất khiêm tốn. Là bởi vẫn còn những bậc phụ huynh luôn sống bằng “danh” chứ chưa sống “thực”.
Em đã chứng minh được cho mẹ rằng, em có thể sống “khỏe” thậm chí dư dả khi rẽ sang con đường học nghề chứ không nhất thiết phải là qua cánh cửa trường ĐH như mẹ hằng kỳ vọng. Và từ em, mong anh chị cũng không nên quá ép cháu Phong đi một con đường không phù hợp với năng lực và sở trường của cháu, bởi thà làm thợ giỏi còn hơn một thày tồi chị ạ. Thư cũng đã dài, em ngừng bút ở đây nhé.
Em gái!