Vào đầu tháng 1, TP Hà Nội thông báo 4 chung cư cũ và 2 nhà chung cư đơn lẻ thuộc cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ (cấp D), sẽ phải hoàn thành việc di dời người dân trong quý I-2022. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời các hộ dân 4 chung cư cũ vẫn chưa hoàn thành. Vì sao vậy?
Sống trong những chung cư cũ chờ sập
Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết sáng ngày 18/4, tại nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trên các trần nhà, vách cầu thang xuất hiện nhiều vết nứt toác kéo dài 4-5 m, người dân phải hàn các thanh sắt lớn để chống đỡ, tránh tường bị sập.
Tương tự như khu tập thể Ngọc Khánh, tại nhà G6A khu tập thể Thành Công (phường Thành Công) cũng xuống cấp, các mảng tường bị bong tróc, nứt toác. Nằm trong diện phải di dời trong quý I tuy nhiên theo bà Sinh, tổ trưởng tổ dân phố tại khu tập thể Ngọc Khánh, điểm cải tạo tại khu nhà A hiện vẫn còn 1 đơn nguyên khoảng 30 hộ sinh sống. Hiện tổ dân phố và các hộ dân sinh sống tại đây đang họp, đối thoại với chủ đầu tư nên vẫn chưa di dời.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ phá dỡ để xây dựng lại 4 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, gồm nhà C8 (khu tập thể Giảng Võ), G6A (tập thể Thành Công), nhà A (tập thể Ngọc Khánh), khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi).
Với 4 chung cư trên, TP Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình hoàn tất di dời các hộ dân trong quý I-2022, và thực hiện các phần việc khác bao gồm phá dỡ, lên kế hoạch cải tạo, xây dựng lại trong năm nay.
Tuy nhiên, đến hết quý I-2022, UBND quận Ba Đình mới di dời được 128/174 hộ dân về nhà tạm cư, còn 46 hộ chưa đồng thuận.
Trong đó, có một hộ tại đơn nguyên 1, 3 hộ tại tập thể Bộ Tư pháp; 3 hộ tại đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; 3 hộ tại nhà 148- 150 Sơn Tây; 16 hộ tại đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ; 23 hộ tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công.
Khó di dời dân do đâu?
Theo ghi nhận của phóng viên mặc dù đang sống trong khu vực nguy hiểm nhưng nhiều hộ dân trong các chung cư này lại không muốn di dời.
Anh Nguyễn Văn Đức, sống tại toà đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ cho biết, gia đình anh sống đây hơn 20 năm rồi. Mỗi lần xe lớn đi qua là có cảm giác sàn nhà rung rung, sợ nhưng không dám chuyển đi vì chưa biết giá cả bồi thường như thế nào. Nếu giá cả thỏa đáng, gia đình tôi sẵn sàng di dời ngay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hợp ở tòa C8 Giảng Võ, G6A Thành Công cho rằng, giờ chung cư xuống cấp như thế này thì chủ trương di dời là rất đúng. Tuy nhiên, bà Hợp khẳng định nguyên nhân chưa di dời là do phía chính quyền địa phương không đưa ra giá bồi thường rõ ràng, hợp lý.
Ông Viên Hải Tuệ, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, cho biết hiện nay trên địa bàn phường đã di dời hết các hộ dân trong các chung cư nguy hiểm, tuy nhiên lãnh đạo UBND phường Ngọc Khánh thừa nhận việc di dời các hộ dân cũng không hề đơn giản.
Theo Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, hiện đã có Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021 tuy nhiên đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
“Việc xác định các chung cư cần phải di dời dân đã có, tuy nhiên việc hướng dẫn thi hành các bước vẫn chưa có nên cũng rất khó cho cấp chính quyền cơ sở”, ông Tuệ nói.
Trong khi đó, đại diện sở Xây dựng TP Hà Nội khẳng định, việc di dời các hộ dân sống trong các chung cư cũ nguy hiểm hiện nay khó nhất ở chỗ các hộ dân có ý kiến phải lựa chọn được chủ đầu tư và phương án bồi thường thỏa đáng mới di dời.
“Vì vậy, để tháo gỡ nút thắt này, chính quyền địa phương vẫn đang tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời để thực hiện dự án” - đại diện sở Xây dựng TP Hà Nội cho hay.
Nên xem xét phương án huy động nguồn lực từ cộng đồng
Tiến sĩ, KTS Nguyễn Cao Lãnh – Trưởng khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng đề xuất: Về bài toán cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, đã có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đưa ra những giải pháp và thực hiện thử nghiệm ở một số khu vực. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự hiệu quả vì chủ yếu chúng ta vẫn xem xét ở vấn đề đầu tư. Muốn cải tạo chung cư cũ thì cần có những doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào, mà nếu để doanh nghiệp làm, doanh nghiệp sẽ đòi hỏi phải có lợi nhuận. Vậy tại sao chúng ta không xem xét phương án để chính những người dân đang sống tại chung cư ấy tự đầu tư?
Hiện nay, trường Đại học Xây dựng đã có một số nghiên cứu về phương án kêu gọi huy động vốn đầu tư từ cộng đồng để cải tạo, thậm chí là xây lại những chung cư cũ đó. Qua thực hiện khảo sát thí điểm ở một chung cư cũ trên đường Giải Phóng, cho thấy, đây là một trong những giải pháp được đánh giá là hay nhất, tạo được sự đồng thuận của người dân.
Không nên trông chờ vào doanh nghiệp
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam những vướng mắc khác khi cải tạo chung cư cũ đang đặt ra rất nhiều. Chẳng hạn như việc tái định cư tại chỗ hay ở khu vực khác; giải phóng đền bù chưa thống nhất, có nơi áp dụng hệ số diện tích nhà ở mới tăng 1,5 lần nơi ở cũ, có nơi 2 lần; Một số vấn đề cũng chưa rõ, có nơi Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có nơi chủ đầu tư phải bỏ ra toàn bộ chi phí gây tăng tổng mức đầu tư...
Theo tôi, cần bỏ tư tưởng trông chờ vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp họ làm vì lợi nhuận. Chủ trương, chính sách đúng thì chúng ta đừng lấn cấn. Chúng ta có quyền điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh theo hướng có lợi cho dân chứ không phải phục vụ doanh nghiệp. Khi làm được như vậy thì những chung cư cũ sẽ được thay đổi. Ở đó sẽ mọc lên những chung cư mới, tạo nơi ở, tạo không gian sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân. Chỉ khi những bất cập trên cần được rà soát, giải quyết căn bản mới có thể cải tạo tổng thể chung cư cũ tại Hà Nội.
Quang Lộc(ghi)