Cho ý kiến vào Dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND (Luật) tại phiên họp sáng qua (15/10), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH đều nhất trí, cần nâng cao hiệu quả của công tác giám sát, hậu giám sát, phải đi đến cùng công tác giám sát.
Đừng để QH là cánh chim đưa thư
Cho ý kiến vào Luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Hoạt động giám sát có một điểm yếu đó là sau giám sát rồi thì mọi sự lại trôi qua. Vì vậy, Luật phải quy định hậu giám sát thế nào? Phải làm sao giám sát của QH, UBTVQH, của các đoàn ĐBQH, các tổ đại biểu QH, HĐND phát huy hiệu quả. Không nói rồi để đấy.
Mỗi cuộc giám sát phải có báo cáo kết quả giám sát, trong đó nêu lên các kiến nghị đối với các cơ quan tổ chức liên quan, phải báo cáo giải trình, phải triển khai thực hiện với cơ quan giám sát. Việc thực hiện phải có thời hạn nhất định, sau thời gian phải giám sát trở lại, nếu không thực hiện phải chịu trách nhiệm.
“Phải hết sức tránh đi giám sát thì rồng rắn lên mây sau rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy”, “nếu không giám sát nghiêm thì QH hoạt động không thực chất, chỉ là chim đưa thư thôi”. Chủ tịch QH đồng thời dẫn ra vụ việc mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương đã nêu về tiêu cực “bôi trơn” trong làm sổ đỏ ở Hà Nội và nhấn mạnh rằng “nếu đủ căn cứ chứng minh điều đó là đúng thì phải làm đến cùng, phải có kiến nghị cụ thể, yêu cầu rõ ràng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng nêu ví dụ ngay cuộc giám sát kết quả tái cơ cấu nền kinh tế để minh chứng cho nhận định “có chuyên đề QH đã ra Nghị quyết nhưng việc thực thi không có chuyển biến gì. Như giám sát tái cơ cấu kinh tế chưa thấy chuyển, tái cơ cấu đầu tư công không thấy có đề án thực hiện mà vẫn đánh giá là hiệu quả cao? Thời hạn chậm nhất 30-6-2015 phê duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế các ngành của nông nghiệp đến tận cấp xã, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa có?”
“Hiến pháp ghi rõ Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH thì sao cứ phải nói qua nói lại về việc Chính phủ có trách nhiệm thế nào về việc thực hiện Nghị quyết của QH” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói và nêu vấn đề “hiệu quả của giám sát được thể hiện ở việc sau giám sát, những kiến nghị được thực hiện đến đâu, tạo ra chuyển biến ra sao?
Công chức không được thành lập và không là thành viên của các Hội
Trước đó, tại phiên thảo luận góp ý kiến vào Dự thảo Luật về Hội nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ công chức tham gia trong hệ thống chính trị có thể làm cộng tác viên của các tổ chức phi chính phủ, nhưng không được là thành viên của các tổ chức này.
Tán thành với nhiều nội dung trong Luật này, tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu lên một vấn đề còn băn khoăn, đó là việc cán bộ công chức có được thành lập Hội hay không?
“Hội thực chất là tổ chức phi chính phủ. Nhưng thực tế các cán bộ công chức vừa là công chức chính phủ, vừa là thành viên của tổ chức phi chính phủ, có nhiều đồng chí hôm nay họp với tư cách thành viên chính phủ nhưng ngày mai xách cặp đi họp với tư cách là thành viên của tổ chức phi chính phủ. Trong các Điều cấm thì không quy định, Luật Công chức cũng không quy định điều này, nhưng tình trạng lẫn lộn với nhau như vậy thì giải quyết thế nào?” - ông Cương đặt câu hỏi.
Cũng liên quan đến vấn đề mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương còn băn khoăn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những người tham gia là hội viên của các hội cũng phải tính đến.
“Anh ở cơ quan chính phủ nhưng tham gia tổ chức phi chính phủ được không? Theo tôi là không được. Cán bộ công chức tham gia trong hệ thống chính trị có thể làm cộng tác viên của các tổ chức phi chính phủ, những người về hưu cũng có thể làm thành viên của các tổ chức này, tuy nhiên, các cán bộ công chức thì không được là thành viên của các tổ chức phi chính phủ” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phản ánh thực tế trong khoảng 52.000 hội, hiệp hội đang hoạt động hiện nay, có không ít Hội bám vào ngân sách nhà nước, mặc dù có những hoạt động không được giao ngân sách nhưng đi xin, rồi nể nhau, số tiền “cho” nhau này là bao nhiêu chưa được tính toán.
Về vấn đề kinh phí cho hoạt động của các hội, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, các hội phi chính phủ nên phải tự trang trải”.
Những hội do yêu cầu của Đảng, Nhà nước lập ra theo trình tự luật này, thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí (không phải cấp kinh phí), loại được giao nhiệm vụ thì Nhà nước thanh toán kinh phí. Khái niệm đặc thù trong này bỏ đi. Không phải anh lập trước có tiền, anh lập sau không có tiền” – Chủ tịch QH nói. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Dự án Luật Trưng cầu ý dân.