Sáng 28/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức hội thảo khoa học Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016. Đã trải qua 5 năm liên tục theo sát việc khai quật thăm dò khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định phải mất hàng chục năm nữa mới có thể hoàn thiện công tác khai quật khảo cổ học ở khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Hiện vật khai quật tại hố thăm dò.
Thấy rõ qui hoạch kiến trúc thời Lý
Sau gần một năm tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn, với tổng diện tích gần 1.000 m2, các nhà khoa học đã có thêm những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, qui mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại các hố khai quật khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2016.
Theo đó, cuộc khai quật năm nay đã góp phần làm rõ tầng văn hóa dày xấp xỉ 4 mét, với nhiều lớp kế tiếp nhau, có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ 8-9 đến thế kỷ 19-20) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nói tiếp các cuộc khai quật liên tiếp từ năm 2012 đến năm 2015, cuộc khai quật năm nay đã góp phần làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ có thêm nhiều phát hiện làm sáng tỏ thêm một phần kiến trúc thời Lý đang phát triển kéo dài về phía Quảng trường Đoan Môn và phát hiện thêm các loại móng cột mới bằng chất liệu sét, sỏi và sành. Cuộc khai quật khảo cổ năm 2016, một lần nữa cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực không gian Chính điện Kính Thiên cũng như khẳng định thêm các giá trị to lớn với 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, những kết quả khảo cổ học bước đầu của năm 2016 cho thấy, khu vực chính điện Kính Thiên và Hoàng thành Thăng Long càng nghiên cứu càng hấp dẫn.
Năm nay khảo cổ học chú ý nhất là đường nước thời Lý rộng 2m cao 2m, song ở những phần di tích còn lại cũng đang tạo nên một điểm nhấn rất lớn cho việc nghiên cứu qui hoạch thời Lý ở khu vực Trung tâm Thăng Long, cũng như nhận định về tính chất của khu vực này. Bởi trước đây chúng ta mới chỉ biết nó ở phần phía Bắc thôi, còn bây giờ rõ ràng nó đang chạy xuống phía Nam. Theo dự đoán của các nhà khoa học, nó sẽ chạy qua quảng trường Đoan Môn, tiến đến Cột Cờ.
Hàng chục năm nữa mới hoàn tất khai quật khảo cổ học
PGS.TS Tống Trung Tín cho biết: Ấn tượng thứ hai của kết quả khảo cổ học năm 2016 là góp phần làm rõ thêm ra không gian chính điện Kính Thiên của thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng nó tiếp nối những thứ đó, nhưng thay đổi rất nhiều. Ví dụ thời Lê Trung Hưng người ta nghĩ là nhỏ nhưng cuối cùng những nghiên cứu ở đây cho thấy qui mô lại cực kỳ lớn.
Theo ông, kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học năm 2016, nhất là đường nước thời Lý đã làm rõ thêm những dự đoán trước đó. Chẳng hạn như trước đó giới nghiên cứu từng dự đoán rằng có thể Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý ở đây (khu vực đang khảo cổ số 9 Hoàng Diệu- PV), nhưng khi nghiên cứu bên 18 Hoàng Diệu cũng có người giả thiết rằng khu Trung tâm có thể ở bên đó. Về những dự đoán này các nhà khảo cổ học cũng trăn trở và cũng thay đổi nhận định liên tục.
“Có lúc tôi cũng nghiêng về nhiều ý kiến và cũng suy nghĩ mãi, về đường nước thì khó. Lần này kết quả củng cố nhận định rằng Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý là nằm ở khu vực trục chính tâm này”- ông Tín chia sẻ.
Chuyên gia khảo cổ học này khẳng định những gì mà chúng ta đã biết về không gian chính điện Kính Thiên nói riêng và Hoàng thành Thăng Long nói chung từ các cuộc thăm dò khảo cổ- thực ra là vô cùng nhỏ. Bởi chúng ta cũng mới chỉ nghiên cứu về di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được 5 năm nay thôi. Trong khi đó để làm rõ Trung tâm Nara (Nhật Bản), người ta nghiên cứu 60 năm nay rồi, nếu kể cả lịch sử nghiên cứu, thì họ nghiên cứu từ cuối thế kỷ 19, tức là hơn 1 thế kỷ rồi.
Chính vì vậy mà phải nghiên cứu dần từng bước. Và dự báo nếu triển khai thật nghiêm túc, tích cực, chủ động cũng phải mất hàng chục năm nữa mới có thể hoàn tất việc khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên và Hoàng thành Thăng Long.
Như vậy, những phát hiện khảo cổ học của năm 2016 vừa khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian tới. Qua đó có thể thấy dấu tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được minh chứng rõ thêm, nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải nghiên cứu kiên trì, tổng thể và lâu dài.