Di sản Hoàng thành Thăng Long: Ngổn ngang chuyện bảo tồn

Triết Giang 24/11/2015 09:30

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng 23/11, hội thảo khoa học quốc tế về Bảo tồn phát huy giá trị di sản thế giới- nhìn từ Hoàng thành Thăng Long (HTTL) đã diễn ra ngay tại di sản này. Từ những phân tích, đóng góp của các chuyên gia, những ngổn ngang, thách thức trong việc bảo tồn di sản thế giới HTTL cũng được chỉ ra. 

Di sản Hoàng thành Thăng Long: Ngổn ngang chuyện bảo tồn

Khu vực khảo cổ học tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Nỗi lo bảo quản hiện vật

Khoảng 40 tham luận đã được gửi tới và trình bày tại hội thảo một lần nữa đề cập tới việc bảo tồn, phát huy và quản lý những di sản thế giới mà Việt Nam đang sở hữu. Các tham luận được chia ở 3 tiểu ban, trong đó 2/3 ý kiến đóng góp của các chuyên gia tập trung vào việc nhìn lại kết quả bảo tồn và phát huy giá trị HTTL sau 5 năm được công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó là việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý và bảo tồn nhiều di sản khác.

Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội cho biết: Kể từ năm 2010 đến nay, cho dù Trung tâm đã thực hiện xong công tác qui hoạch, thực hiện các vấn đề Chính phủ đã cam kết theo kiến nghị của ICOMOS- cơ quan tư vấn về di sản văn hóa của UNESCO về bảo tồn HTTL, nhưng hiện vẫn còn những tồn đọng không nhỏ.

Công tác bàn giao mặt bằng di sản chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Hơn thế, sau 13 năm khai quật và khảo cổ học tại khu 18 Hoàng Diệu, Trung tâm chưa được được tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học khiến công tác nghiên cứu, quản lý và bảo tồn phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn. Điều này đang vi phạm Luật Di sản văn hóa và Công ước Di sản thế giới năm 1972.

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng xác nhận: từng có nhiều hội thảo về bảo quản hiện vật và di vật khai quật tại khu vực HTTL, nhưng với số lượng di vật đã được đưa lên khỏi hố khai quật gồm gạch ngói, chân tảng đá… đã nhiều năm mà vẫn được lưu giữ tạm ngoài trời chưa có kho bảo quản.

Những di vật này thường xuyên chịu tác động trực tiếp của môi trường tự nhiên nên đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Một số di vật đã được lưu giữ trong kho, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ có mái “che mưa che nắng” mà chưa được nghiên cứu phân loại và thiết lập môi trường bảo quản phù hợp với loại hình và chất liệu di vật.

Rồi việc kiểm kê, xây dựng các sưu tập, đăng ký đánh số các di vật chưa được làm một cách bài bản và đạt chuẩn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tư liệu hoá các di vật cũng chưa được thực hiện một cách đúng nghĩa. Rồi chưa kể trong quá trình bảo quản, cũng có trường hợp làm tổn thương hiện vật…

Di sản Hoàng thành Thăng Long: Ngổn ngang chuyện bảo tồn - 1

Hiện vật khảo cổ tại di sản Hoàng thành Thăng Long.

Khảo cổ học mới chỉ là thăm dò

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, sau khi di sản được vinh danh, việc tăng cường nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực trung tâm Hoàng Thành vừa nhằm thực hiện những khuyến nghị của UNESCO, vừa là căn cứ và cơ sở khoa học để tiến hành phục dựng không gian chính điện Kính Thiên. Trải qua 5 cuộc khai quật khảo cổ học (từ 2011 tới 2015), giới khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện thêm nhiều di tích di vật mới. Do diện tích đào vô cùng nhỏ cho nên tất cả 5 lần khảo cổ nói trên chỉ đều là kết quả thám sát, thăm dò bước đầu.

Dẫu vậy các cuộc khai quật tại đây đã bước đầu xác định khá chính xác vị trí không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng; đã làm rõ được một phần tổ chức mặt bằng không gian chính điện Kính Thiên thời Lê từ Đoan Môn đến thềm rồng điện Kính Thiên; phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần, thời Lý…

“Nhưng hiển nhiên, tất cả đó mới chỉ là dự đoán và cần chờ đợi các kế hoạch nghiên cứu lâu dài có tính chất thế kỷ ở khu di sản HTTL” - ông Tín nói.

Bảo tồn là gìn giữ cho được các tầng văn hóa

Đóng góp ý kiến để bảo tồn di sản HTTL, GS. William Logan- Trường ĐH Deakin Australia cho rằng, sở dĩ HTTL được công nhận là di sản thế giới bởi nó chứa đựng 3 đặc điểm nổi bật toàn cầu: chiều dài lịch sử, vai trò liên tục là trung tâm quyền lực và các tầng di tích xếp chồng lên nhau. Để bảo tồn di sản cho các thế hệ hôm nay và mai sau, điều vô cùng quan trọng là phải tôn trọng các giá trị cốt lõi làm nên 3 đặc trưng này và lấy đó làm cơ sở cho việc quản lý di sản.

Vì lẽ đó, GS này cũng bày tỏ băn khoăn: Như đã cam kết với Ủy ban di sản thế giới và ICOMOS, Việt Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ học trên phạm vi rộng, nhưng theo ông được biết thì những khai quật này được tiến hành bên trong khu vực công nhận di sản thế giới hơn là bên ngoài. Những khai quật này đã làm thay đổi tương quan giữa di tích dưới lòng đất và những công trình trên mặt đất. Trong đó các kiến trúc trên mặt đất, đặc biệt là tòa nhà thời kỳ thực dân Pháp và một số công trình quân sự Việt Nam thời hiện đại, thực tế đã bị dỡ bỏ kể từ khi di sản được UNESCO công nhận. Theo ông, mặc dù cần phải chỉnh trang nhưng không nên để mất tầng văn hóa này, bởi chính nó là một đặc điểm làm nên giá trị để UNESCO công nhận di sản thế giới HTTL.

“Một trong những lo ngại của tôi là trong những người làm qui hoạch có ý kiến muốn xóa bỏ các tòa nhà thời Pháp và đưa di sản trở về với thời hoàng kim dưới thời Lê trong tưởng tượng… Tôi hiểu mong muốn tái hiện quang cảnh trục trung tâm từ nhà con Rồng tới Đoan Môn, nhưng tôi cho rằng không nên để mất đi tầng văn hóa Pháp. Việc không bảo vệ hiệu quả các tầng văn hóa sẽ làm các khu di sản thế giới trượt dài trên con đường gia nhập danh sách di sản thế giới bị nguy hiểm hoặc thậm chí bị gạt tên khỏi danh sách…” – GS. William Logan cảnh báo.

Còn GS Nobuo Kamei - Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc gia Tokyo (Nhật Bản) cho biết, trước đó hai bên đã thực hiện dự án Tín thác UNESCO- Nhật Bản với tiêu đề Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội. Ông rất mong khu di sản có giá trị lịch sử quan trọng bậc nhất này được bảo tồn và khai thác tốt cho tương lai.

Ông cũng đồng quan điểm cho rằng, nên gìn giữ cho được các tầng văn hóa trong không gian khu di sản HTTL: “Một điều chắc chắn là dưới lòng đất phía bên ngoài khu vực bảo vệ còn rất nhiều kiến trúc cổ chưa được khai quật, cũng như ngay cả trong khu vực nghiên cứu hiện nay. Như đã nêu trong đánh giá của UNESCO, không chỉ những vết tích các khu cung điện của các triều đại nối tiếp nhau mà còn cả các toàn nhà thời kỳ Pháp thuộc cũng như các công trình hành chính và quân sự có quan hệ mật thiết với quá trình độc lập và thống nhất của Việt Nam sau chiến tranh trong khu di sản này… đều là những chứng nhân vô giá của lịch sử Hà Nội”.

Tại hội thảo, 10 tham luận của các đại biểu đã được trình bày nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý bền vững các khu di sản tại Việt Nam. Cụ thể như việc bảo tồn di tích cố đô Huế, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, di sản văn hóa Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, di tích Thành nhà Hồ, danh thắng Tràng An, di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, khu di tích và danh thắng Yên Tử, khu di sản văn hóa biển Lý Sơn- Bình Châu và vùng phụ cận tỉnh Quảng Ngãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản Hoàng thành Thăng Long: Ngổn ngang chuyện bảo tồn