Việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới đây đang tạo ra “đòn bẩy” cho nhiều loại hình văn hóa có cơ hội phục hồi trở lại, trong đó có các điểm đến di tích, lễ hội. Tuy nhiên, để sự gắn kết giữa 2 lĩnh vực đạt được hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ, bền vững tránh hoạt động theo thời vụ.
Tái khởi động mối liên kết
Việt Nam đang sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương, trải dài khắp đất nước. Cùng với đó trên mảnh đất hình chữ S còn đang lưu giữ một “kho tàng” phong phú với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, các di sản văn hóa nghệ thuật, văn nghệ dân gian, bảo tàng... Đây là những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, mang tính đặc trưng văn hóa đặc sắc của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng tạo thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm của ngành “công nghiệp không khói”. Thực tế cho thấy, trước khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam thì việc đi du lịch di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển. Nhiều sản phẩm như tham quan di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, danh thắng Tràng An… hay tham gia các lễ hội truyền thống nhận được sự quan tâm lớn của du khách và trở thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu, hấp dẫn.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc gắn kết giữa di sản, lễ hội với các hoạt động du lịch đang rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Cho dù thời gian qua đã có nhiều chính sách “nới lỏng”, nhưng hầu hết những điểm đến di tích hay lễ hội vẫn đang trong trạng thái “khởi động”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết, được mở cửa từ ngày 15/2 tuy nhiên lượng khách đến di tích khá thưa thớt. Nếu như những ngày đầu có khoảng hơn 700 khách thì hiện nay trung bình chỉ hơn 100 khách/ngày, hầu hết là các du khách đến từ các tỉnh thành phía Nam. Ông Kiêu cũng cho biết thêm, với số ca mắc tại Hà Nội vẫn tăng cao thời gian qua nên người dân vẫn còn tâm lý khá e dè khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Trung tâm cũng thắt chặt công tác an toàn phòng chống dịch, trên hết là phải đảm bảo sức khỏe cho chính cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. “Hy vọng thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch lữ hành tổ chức được nhiều chương trình hấp dẫn phục vụ du khách” - ông Kiêu bày tỏ
Còn với Chùa Hương, theo ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn cho biết, sau khi mở cửa trở lại vào ngày 16/2 thì lượng khách đến Chùa Hương tương đối vắng so với những năm chưa có dịch. Trung bình chỉ khoảng 4 đến 5 nghìn khách mỗi ngày và ngày cuối tuần có tăng lên khoảng 8 đến 9 nghìn khách.
Tạo bàn đạp để bứt phá
Thực tế, việc mở cửa các di tích, lễ hội thời gian qua đang tạo nên những “cú hích” nhất định, đặc biệt là với ngành du lịch. Nhưng thực tế nhìn lại, việc gắn kết giữa du lịch và các điểm đến di tích hay lễ hội từ trước đến nay vẫn là những cái “bắt tay” hờ hững. Bởi hầu như tiêu chí chung của cả người làm du lịch hay đơn vị quản lý di tích, lễ hội hiện nay là càng thu hút được đông người đến tham dự là thành công. Việc tổ chức lễ hội hiện nay mục tiêu hiệu quả kinh tế luôn đặt cao hơn vấn đề tôn vinh văn hóa, phát huy các giá trị văn. Rất nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương và coi nhẹ nội dung giáo dục, văn hóa. Xu hướng thương mại hóa hoạt động lễ hội bộc lộ ra quá rõ và quá nhiều đến mức bị coi là phản văn hóa, ở mọi lễ hội, kể cả lễ hội cấp quốc gia, gây phản cảm nặng nề đối với du khách trong nước và nước ngoài.
Nhìn nhận về thực tế này, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, có thể coi lễ hội hay các di tích là một sản phẩm văn hóa, để từ đó biết cách quảng bá. Cụ thể, với các di tích hay lễ hội có giá trị đặc sắc, mang tính truyền thống và kể được nhiều câu chuyện văn hóa của địa phương. Để duy trì sức hấp dẫn của điểm đến này thì phải hiểu các giá trị và bản sắc riêng, giữ gìn giá trị một cách phù hợp với bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số, công dân số. Bên cạnh đó, giữ gìn và tổ chức các điểm đến văn hóa này một cách văn minh cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng, từ đó tăng niềm tin với du khách. Rất cần có sự chung tay của toàn xã hội và địa phương trong việc tổ chức lễ hội, từ việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cháy nổ, y tế..., đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh gia tăng.
Có thể nói, với bối cảnh thích ứng với Covid-19, trong thời gian tới, ngành du lịch và văn hóa sẽ có nhiều việc, nhiều giải pháp cần làm. Song, chắc chắn rằng việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch sẽ có vai trò to lớn, tạo ra chiều sâu chất lượng và sự hồi phục, bứt phá cho du lịch Việt Nam.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, di tích hay lễ hội là những thành tố quan trọng để hình thành nên loại hình du lịch văn hóa. Nếu muốn trở nên hấp dẫn, thu hút du khách hơn thì lễ hội phải mang tính độc đáo và có giá trị. Chính vì thế, mỗi di tích hay lễ hội càng khác biệt, mang nhiều giá trị đặc sắc thì sẽ càng thu hút du khách. Nhận thức đầy đủ và đúng đắn sẽ giúp chúng ta tránh được việc “đồng bộ hóa”, làm cho các lễ hội trở nên giống nhau và mất đi bản sắc. Chỉ có như vậy, chúng ta mới khẳng định được giá trị độc đáo, góp phần bảo vệ và phát huy tính đa dạng của các lễ hội.