Gần 10 năm, kể từ khi được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng sáng rõ giá trị bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Sợi chỉ đỏ” của tình đoàn kết
Năm nay vừa tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh.
Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy.
Thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc. Đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Không những vậy, thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước. Đồng thời, nhấn mạnh với nhân dân toàn thế giới về ý nghĩa tín ngưỡng đặc biệt này của dân tộc Việt Nam: “giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn”.
Có thể nói rằng, các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân. Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt.
TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Biểu đạt của sự kính trọng với nguồn cội
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình người Việt. Sau khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những giá trị của tín ngưỡng này được khẳng định rõ ràng hơn, được lan tỏa hơn.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc. Song, hiếm có dân tộc nào mà người dân sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về một ngày Quốc Tổ, chung một cội rễ như dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay trở thành nghi lễ, niềm tin, tấm lòng, là sự biểu đạt sự kính trọng của người Việt Nam với nguồn cội của mình nên ngày càng tích hợp nhiều giá trị văn hóa. Đó là những giá trị về mặt đạo đức như “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”...
PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia: Đức tin tín ngưỡng thuần Việt
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có những đóng góp quan trọng cho việc thực hành các chức năng xã hội của văn hóa. Trước hết là các giá trị về nhận thức, giáo dục, đào luyện nhân cách văn hóa, định hướng hành vi con người, chuyển hóa các giá trị đạo đức thành hành động cho các cá nhân, các nhóm cộng đồng xã hội.
Tiếp đến, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng còn trực tiếp tác động đến việc hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là “Lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”. Nhưng có lẽ, lòng yêu nước nồng nàn là truyền thống tốt đẹp nhất trong bảng giá trị văn hóa Việt Nam.
Chỉ xét riêng lĩnh vực hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thì Đền Hùng đã là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam mà ta rất ít thấy ở các quốc gia khác.
Có thể coi đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.
GS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Gắn kết giữa quá khứ và hiện tại
Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc; thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng. Ở cấp độ quốc gia tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền Tổ quốc.
Mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một ngày giỗ Tổ, chung một cội nguồn. Vì vậy giỗ Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng của giá trị văn hoá tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, vừa là niềm tự hào, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vừa thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.