Tinh hoa Việt

Di sản và du lịch

CẨM ANH (thực hiện) 29/12/2024 07:54

Phát triển du lịch nhờ di sản, thông qua di sản không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa khai thác du lịch vừa bảo tồn di sản là câu chuyện không dễ.

tour Hoàng Thành
Tour đêm Hoàng Thành Thăng Long đang rất hấp dẫn du khách.

Di sản đứng trước các nguy cơ thay đổi và biến dạng

Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ quan trọng trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.

Nhưng nếu như di sản văn hoá vật thể đứng trước nguy cơ bị tác động làm thay đổi cảnh quan, môi trường, bị làm mới… thì văn hoá phi vật thể để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, không hiếm trường hợp, đã bị làm thay đổi đến mức biến dạng cả về nội dung và hình thức.

Mới đây, khi đi du lịch ở một địa phương vùng cao phía Bắc, trong bữa ăn ở một homstay nằm trong lõi một di sản quan trọng, chúng tôi được chủ nhà hàng bố trí thưởng thức làn điệu hát then. Nhưng quả thực, trong không khí của bữa ăn mà khách khứa ồn ào uống rượu, thấy thương cho các nghệ nhân vì tiếng đàn tiếng hát của họ không ăn nhập, lạc lõng và thậm chí hoàn toàn là “đàn gảy tai trâu”. Di sản phi vật thể phải ở trong không gian văn hoá cộng đồng, tách nó ra để chiều lòng du khách biểu diễn giữa những bữa nhậu hò hét “một hai ba dzô”, “trăm phần trăm”… thì đang làm biến dạng di sản.

Điều này cũng giống như biểu diễn Ca Huế (di sản văn hoá phi vật thể nhân loại) trên các tour du lịch sông Hương. Không còn giữ được chất thính phòng kiểu cách, chương trình Ca Huế dành cho khách du lịch chủ yếu là dân ca Huế dễ thuộc, dễ nghe. Cũng giống như Ðờn ca tài tử của Nam Bộ được phục vụ những bữa tiệc rượu xô bồ, ồn ã không còn vẻ phong nhã của âm nhạc tài tử…

Ứng phó với những biến đổi từ hoạt động du lịch

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khai thác du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa, có cơ chế ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá tài nguyên di sản và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên di sản trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, cần chú ý phát triển du lịch văn hóa phải dựa trên cơ sở tôn trọng cộng đồng, không trái với lợi ích, nguyên tắc cộng đồng, phát huy vai trò, khuyến khích người dân ở các vùng di sản tham gia, hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Đồng thời có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp cho những dự án bảo tồn, phát huy di sản, ban hành các quy định liên quan để tăng cường giám sát, quản lý hoạt động du lịch theo hướng bền vững…

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những trường hợp bình dân hóa - thương mại hóa, thậm chí dung tục hóa những di sản văn hóa không những làm méo mó bản sắc văn hóa vốn có của di sản mà còn ảnh hưởng tới chất lượng văn hóa của hoạt động du lịch. Khi đem di sản văn hóa tách ra khỏi môi trường văn hóa và bối cảnh xã hội của nó, có nghĩa là di sản đó đã không còn mang tính biểu tượng văn hóa dân tộc nữa mà trở thành những tiết mục trình diễn được lặp đi lặp lại nhiều lần cho du khách xem.

Ðiều này còn ảnh hưởng đến tâm lý của những chủ nhân di sản. Nếu họ coi đó là một trong những hoạt động mang lại thu nhập thì dần dà, họ cũng dễ dàng uốn nắn những giá trị di sản thành thứ mà khách du lịch muốn, và tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng hàm lượng văn hóa dân tộc trong đó ngày càng bị phai nhạt.

Ðây là nguy cơ dễ nhận biết không chỉ với riêng du lịch Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia đang phát triển, khi mà bài toán cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc không dễ tìm ra lời giải.

Bài toán hài hoà lợi ích để phát triển bền vững

Bài toán đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam hiện nay là tìm ra được giải pháp để những địa phương, người dân hiểu rõ được giá trị văn hóa và di sản nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi di sản. Đồng thời cũng bảo tồn giá trị nguyên gốc của di sản.

Đặc biệt là việc xây dựng chiến lược định vị thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, tạo dấu ấn và thu hút khách du lịch thông qua việc khai thác, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Cũng như cần xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và di sản nhằm thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế. Tối ưu hóa việc bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa, mà không gây áp lực quá lớn lên môi trường và di sản.

Tính bền vững về môi trường, văn hóa xã hội và kinh tế chính là những yếu tố cần thiết để một điểm đến du lịch vẫn tiếp tục phát triển mà vẫn bảo tồn được các giá trị và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nói về bài toán hài hoà lợi ích giữa khai thác du lịch và bảo tồn di sản, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngành du lịch cần có sự tham mưu từ những chuyên gia văn hóa để tìm ra cơ chế đặc thù khai thác văn hóa phục vụ cho du lịch, nhất là với lĩnh vực di sản, nếu khai thác thì cũng cần cân nhắc mức độ và cách thức sao cho hợp lý.

Ðặc biệt, cần phải tính đến giá trị nhiều mặt và hàm lượng văn hóa dân tộc ở mỗi di sản để có thái độ và cách ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng phải rõ ràng trong việc phân phối lợi ích giữa các thành phần tham gia du lịch, nhất là với những chủ nhân của di sản để từ đó, không chỉ có mối quan hệ một chiều: khai thác di sản phục vụ du lịch mà còn để du lịch tham gia đầu tư trở lại, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Còn theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để phát triển du lịch bền vững, cần phải đánh giá sức tải của di sản để có quy hoạch, định hướng phát triển một cách hài hòa, cân bằng với nội tại của di sản. Không thể phát triển một cách thương mại quá mức, không thể phát triển một cách tự phát mà phải có sự cân nhắc, đặc biệt trên nguyên tắc tôn trọng di sản để làm sao sức tải của di sản văn hóa đủ để chúng ta phát triển một cách bền vững.

Kinh nghiệm phát triển du lịch của làng Shirakawa, Nhật Bản - nơi được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh là Làng Du lịch tốt nhất năm 2023

Nằm ở tỉnh Gifu - miền trung Nhật Bản, làng Shirakawago là một di sản thế giới được UNESCO công nhận, nổi tiếng với các ngôi nhà mái rơm truyền thống gassho-zukuri. Làng được bảo tồn để giữ gìn kiến trúc đặc sắc và duy trì lối sống và văn hóa truyền thống.

Đây là một trong những ngôi làng cổ xưa nhất tại xứ sở phù tang hiện đang có 603 hộ gia đình sinh sống, nên công tác vừa bảo tồn, vừa phát triển vô cùng quan trọng.

Để bảo tồn vẻ đẹp cảnh quan di sản của làng, một quy định đã được đưa ra: dân không được bán nhà, không được cho thuê nhà, không được phá dỡ nhà. Hội Bảo tồn làng, gồm các thành viên do dân đề cử cũng đã được lập ra, để nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn làng của người dân. Hằng năm, làng cần tới hàng trăm nghìn USD chi cho hoạt động bảo tồn làng, nhất là với phần mái lợp bằng lá, và chi phí này được trích từ khoản hỗ trợ và 30% phí đỗ xe của khách tham quan. Đây là cách giúp tạo ra vòng tuần hoàn bền vững cho các khoản kinh phí bảo tồn.

Bên cạnh đó, để điểm đến không bị quá tải, làng chủ động khống chế lượng xe ở bãi đỗ xe không vượt quá con số quy định. Đây là con số đã được tính toán dựa trên sự tư vấn của Bộ Đất đai Nhật Bản. Nhằm nâng cao ý thức của du khách trong bảo vệ môi trường cảnh quan, bộ quy tắc ứng xử dưới hình thức truyện tranh cũng đã được làng xây dựng, kết hợp hệ thống bảng, biển hướng dẫn…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản và du lịch