Sau nhiều năm giải quyết vướng mắc, đến nay, di tích quốc gia, tòa dinh thự hơn 100 tuổi của dòng họ Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang vẫn trong tình trạng không rõ ai quản lý, ai sở hữu. Điều này dẫn đến việc di tích bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ.
Xuống cấp nghiêm trọng
Di tích lịch sử văn hóa Nhà Vương được đánh giá là di tích vô cùng độc đáo, có nhiều giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và được xếp hạng từ năm 1993. Sau hơn 100 năm tồn tại và gần 15 năm được sử dụng, khai thác làm điểm thăm quan du lịch, dinh thự họ Vương hiện trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Tình trạng xuống cấp này đã được kết luận tại Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr, ngày 10/3/2020, của Thanh tra tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, cho đến nay, tòa dinh thự này vẫn không được trùng tu, sửa chữa theo các quy định của Luật Di sản và các quy định pháp luật hiện hành.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích, cực chẳng đã trước sự thờ ơ của các cơ quan quản lý, mệt mỏi vì phải kêu cứu cho di tích của cha ông trong thời gian dài mà mới đây, ông Vương Duy Bảo (nguyên Phó Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) - cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành, đã phải tự quay clip thực trạng sập xệ, dột nát của di tích rồi đăng lên mạng xã hội để nhờ cậy tiếng nói của cộng đồng, hòng bảo vệ di tích quốc gia.
Ông Vương Duy Bảo cho biết: “Thanh tra tỉnh đã có kết luận nêu rõ thực trạng xuống cấp của di tích là rất nghiêm trọng. Nhiều công trình xây dựng vi phạm quy định làm ảnh hưởng tới di tích. UBND huyện tự ý thay thế hệ thống hứng, dẫn nước. Xây dựng trái phép các công trình nhà bảo vệ, nhà vệ sinh nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích… Bên trong khu vực bảo vệ I, phần ngói phía trước mái bị xô lệch, vỡ, lọt sáng. Tường bị ố và bong tróc do thấm nước. Một số cấu kiện gỗ bị ải mục… Tuy nhiên, tới nay mọi vi phạm vẫn còn nguyên, chưa bị xử lý tháo dỡ, sửa chữa, dù đã có kết luận thanh tra và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh”.
Tranh chấp quyền sử dụng
Dù đã nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất từ cuối năm 2019, tuy nhiên, chính quyền huyện Đồng Văn không chịu bàn giao cho 16 người có quyền sử dụng là con cháu của vua Mèo Vương Chí Thành.
Theo ông Vương Duy Bảo: Trên Giấy chứng nhận QSD đất và sở hữu nhà mà huyện Đồng Văn cấp cho gia tộc họ Vương có những nội dung chưa rõ ràng, khó hiểu, như: Mục 4, 5 quy định khu vực 2 của di tích không rõ ràng; Trang 2, Mục 6, phần Ghi chú, nêu cả thông tin về việc công trình được nhà nước đầu tư, trùng tu, tôn tạo di tích với số tiền lần 1 là 7.140.090.168 đ và lần 2 là 1.391.490.000 đ. “Sổ đỏ ghi những nội dung này liệu có đúng theo quy định của nhà nước về những nội dung ghi trên sổ đỏ? Nếu ghi những nội dung như vậy lên sổ đỏ thì tại sao không ghi cả quá trình khai thác giá trị, bán vé tham quan thu được bao nhiêu tiền?”- ông Vương Duy Bảo thắc mắc.
Lằng nhằng chia lợi nhuận
Đầu tháng 7/2020, ông Vương Duy Bảo làm việc với UBND huyện Đồng Văn về việc chia lợi ích từ hoạt động bán vé tham quan nhà Vương. Ông Bảo cho biết: Ông kinh ngạc khi thấy UBND huyện thông báo, 60% doanh thu bán vé tham quan nộp ngân sách nhà nước. Các chủ sở hữu hợp pháp của di tích chỉ được hưởng 20% trong 40% số tiền doanh thu còn lại. Điều này có nghĩa, 16 chủ sở hữu hợp pháp của di tích chỉ được hưởng 7% tổng doanh thu bán vé.
Ông Bảo nói: Việc chia lợi ích này hoàn toàn trái với quy định tại Quy chế quản lý di tích đã được ban hành kèm theo Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 15/2/2020, là: 30% số tiền bán vé trích nộp ngân sách nhà nước. 70% còn lại được giữ lại sử dụng cho công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa di tích. Trong đó, các chủ sở hữu của dòng họ Vương được hưởng 20% trong tổng số 70% số tiền giữ lại, tương đương 14% trên tổng số tiền bán vé thu được.
Hơn thế, toàn bộ số tiền bán vé này được huyện Đồng Văn thu lại và sử dụng mà không có sự trao đổi trước với chủ sở hữu. Khi chủ sở hữu yêu cầu phân chia lợi ích theo bản quy chế đã được ban hành thì mới biết việc huyện Đồng Văn sử dụng số tiền vé thu được không tuân theo quy chế.
Quy chế quản lý di tích Dinh thự họ Vương được xây dựng căn cứ theo Nghị quyết số 45/2016/HĐND ngày 11/12/2016 của HĐND tỉnh Hà Giang để quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phần nộp ngân sách nhà nước là 30% trên tổng số tiền bán vé thu được, phần 70% còn lại được đơn vị thu phí trích giữ lại phục vụ công tác quản lý, trùng tu sửa chữa… Tuy nhiên, ông Bảo cho biết, hiện nay UBND huyện Đồng Văn lại đang áp dụng Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang để phân bổ khoản thu từ việc bán vé tham quan di tích Dinh thự họ Vương.
Đồng thời, Quy chế được xây dựng dựa trên sự bàn bạc, thống nhất giữa UBND huyện Đồng Văn và các chủ sở hữu di tích tại Biên bản thỏa thuận giữa UBND huyện Đồng Văn và các đồng chủ sở hữu di tích Dinh thự họ Vương đã được các bên ký, thống nhất ngày 23/8/2019.
Biên bản thống nhất nêu rõ việc phân chia khoản thu từ hoạt động bán vé tham quan di tích là: Phần nộp ngân sách nhà nước là 30% trên tổng số tiền bán vé thu được, phần còn lại 70% được phân bổ như sau: Các chủ sở hữu của dòng họ Vương được hưởng 20% trong số 70% để lại (bằng 14% tổng số nguồn thu); 80% trong số 70% để lại chi cho các hoạt động sửa chữa nhỏ, tổ quản lý và hoạt động duy tu, bảo dưỡng…
Ông Bảo bức xúc: “Sau khi có bản kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh về những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng, bảo tồn di tích Dinh thự họ Vương, đích thân lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã gặp tôi xin lỗi và đề nghị tôi rút đơn tố cáo sai phạm, tạo điều kiện để địa phương khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay, tôi chưa thấy những sai phạm được khắc phục, xử lý, lại phát sinh thêm những sai phạm mới trong quá trình quản lý. Điều này thể hiện sự tráo trở của cơ quan quản lý huyện Đồng Văn trong cách ứng xử với những sai phạm liên quan đến di tích của dòng họ Vương”.