Di tích quốc gia bị xâm chiếm

Điền Bắc 16/11/2019 07:07

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều công trình đồ sộ thuộc Dự án chùa Linh Sâm, tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được xây dựng nhanh chóng. Điều đáng nói, công trình này không những chưa có phép như quy định mà còn xây dựng xâm lấn lên vùng đất trong khu vực bảo vệ của Di tích lịch sử quốc gia (DTLSQG) đền Hữu.

Di tích quốc gia bị xâm chiếm

Công trình chùa Linh Sâm xây dựng xâm lấn lên một phần đất DTLSQG Đền Hữu.

Ngày 12/11, chính quyền xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, xã này đã có thông báo đình chỉ việc thi công tại công trình chùa Linh Sâm vì thiếu các thủ tục pháp lý liên quan và chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của DTLSQG đền Hữu trên địa bàn xã.

Theo tìm hiểu được biết, chùa Linh Sâm được khởi công từ tháng 7/2019 trên phần đất rộng hơn 4.000m2. Công trình này được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1, chùa được xây dựng với mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng; giai đoạn 2 chùa sẽ tiếp tục xây dựng các hạng mục và trồng cây cảnh. Tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên đến hơn 30 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, toàn bộ công trình chùa này đã xây dựng xong phần thô của 6 ngôi nhà và cổng tam quan. Phần nền, tường rào và một số hạng mục khác đang được xây dựng dở dang. Nhiều vật liệu đang được tập kết trong khuôn viên để tiếp tục xây dựng. Khu vực chùa Linh Sâm xây dựng nằm phía Tây và sát ngay cạnh DTLSQG đền Hữu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Hồng Long - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên xác nhận, công trình chùa Linh Sâm xây dựng thiếu một số thủ tục đất đai nên hiện đã bị đình chỉ thi công. Phần đất mà ngôi chùa này xây dựng cũng nằm trong khu vực bảo vệ của DTLSQG đền Hữu.

Sau khi biết điều này, rất đông người dân và một số người của dòng họ Nguyễn Cảnh có mặt tại đây phản ánh việc ngôi chùa xây dựng lấn vào đất của đền Hữu. Theo ông Nguyễn Cảnh Nhu -Tộc trưởng họ Nguyễn Cảnh, sau khi nắm bắt việc ngôi chùa Linh Sâm xây lấn vào đất của đền Hữu, ông cùng các thành viên khác trong họ đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng để làm rõ và xử lý sai phạm này. “Dựa vào bản đồ khoanh vùng bảo vệ thì phần đất mà chùa Linh Sâm xây dựng này đã lấn vào khu vực bảo vệ II của đền Hữu. Công trình này trước đó xây dựng đã từng bị đình chỉ nhưng sau đó họ tiếp tục làm, công nhân làm cả ngày và đêm”, ông Nhu cho biết. Đồng thời, ông mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ sai phạm, tháo dỡ công trình chùa xây trái phép để trả lại hiện trạng đất ban đầu cho khu vực đền Hữu.

Năm 2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 299/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia: Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật đền Hữu là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 – 1576), một võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng. Sinh thời, ông có nhiều công lao to lớn trong việc gìn giữ, mở mang bờ cõi và bảo vệ cuộc sống người dân vùng đất Hoan Châu. Sau khi ông mất, người dân nhiều nơi đã lập đền thờ.

Hiện nay, đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm tuổi cùng nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Để bảo vệ di tích, ngày 20/5/2008, tỉnh Nghệ An đã ký bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân xã Thanh Yên bất bình khi một công trình đồ sộ, được ồ ạt xây dựng ngay bên cạnh khu di tích lịch sử nói trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Huyện này đã nhận được thông tin, qua kiểm tra thì khu đất xây chồng lên di tích đền Hữu là phạm vi cắm mốc bảo vệ. Mốc này do xã đề nghị với diện tích hơn 3ha, đã được tỉnh đồng ý. Còn việc công trình chùa Linh Sâm, xây dựng chồng lên khu vực này, theo báo cáo của xã thì hiện đã đình chỉ. Trong khi đó, ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết: Việc công trình chùa Linh Sâm xây dựng chồng lên một phần đất của đền Hữu là có thật. Sở đã cho kiểm tra, sau đó có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thay đổi thiết kế chùa Linh Sâm, kèm theo đó là cấp thêm diện tích đất cho đền đã bị công trình chùa lấn chiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích quốc gia bị xâm chiếm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO