Di tích xếp hàng chờ kinh phí tu bổ

Thu Hương 23/08/2016 12:00

Nhằm triển khai thực hiện Nghị định 61/2016/ NĐ- CP của Chính phủ trong đó có quy định về điều kiện hành nghề bảo quản tu bổ phục hồi di tích, sáng 22/8, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc liên quan tới nội dung này. Tại đây, nhiều cái khó và những bất cập trong việc tu bổ di tích (thực hiện theo tinh thần NĐ 70) thời gian qua đã được các địa phương chia sẻ.

Di tích xếp hàng chờ kinh phí tu bổ

Dự án tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội).

Vi phạm nhiều ở các công trình xã hội hóa

Nhìn lại 3 năm thực hiện NĐ 70 của Chính phủ (năm 2012) về việc tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18 cụ thể hóa những qui định tại Nghị định, đại diện Cục Di sản văn hóa cho hay cho dù hoạt động tu bổ di tích đã được quan tâm, đầu tư tốt hơn, nhưng thực tế tu bổ di tích 3 năm qua cho thấy hoạt động quản lý di tích lâu nay bị buông lỏng; nhiều địa phương chưa nắm rõ những nội dung trong quá trình tư vấn lập dự án, thiết kế tu bổ di tích. Đặc biệt là hoạt động thi công và giám sát trong quá trình tu bổ di tích còn nhiều lỗ hổng.

Ông Trần Đình Thành- Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL xác nhận, số lượng di tích của cả nước rất lớn, song kể từ khi thực hiện NĐ 70 đến nay, lực lượng thanh tra mới giám sát quá trình tu bổ tôn tạo di tích ở 25 địa phương. Qua kiểm tra, thanh tra Bộ nhận thấy đa phần những công trình tu bổ bằng ngân sách nhà nước thực hiện tốt yêu cầu đặt ra.

Âu cũng bởi những công trình này tuân thủ đầy đủ các bước về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập và phê duyệt qui hoạch tu bổ di tích (thời gian chờ đợi có hơi lâu). Những vụ việc vi phạm chủ yếu thuộc về những công trình tu bổ bằng nguồn ngân sách xã hội hóa. Cụ thể rất nhiều công trình di tích làm theo kiểu “tiền trảm - hậu tấu” (tu bổ trước, xin cấp phép sau). Vì sử dụng nguồn vốn xã hội hóa nên nhiều mẫu thiết kế thi công trong quá trình tu bổ di tích theo yêu cầu của người có tiền.

Do đó, không ít công trình sau trùng tu bị biến dạng. Hơn thế, trong quá trình thi công, những người làm công tác phục hồi di tích cũng không coi di sản là một công trình xây dựng đặc biệt, mà chỉ coi đó như những công trình xây dựng đơn thuần. Chính vì thế nên không ít công trình tu bổ áp dụng phương pháp thi công không phù hợp như dùng xà beng, cuốc, xẻng cào ngói, tàn phá sự nguyên bản của di sản…

Khó bỏ phân cấp?

Chia sẻ những vướng mắc trong quá trình tu bổ di tích hiên nay, một số địa phương như TP. Hà Nội, TP.HCM, Bình Định… đề cập đến những cái khó chung như: Việc đầu tư cho bảo tồn di sản hiện nay còn thiếu qui hoạch, chưa có trọng tâm; việc vận dụng qui định về “tu sửa di tích cấp thiết” theo tinh thần NĐ 70 ở các địa phương ít được chú trọng.

Nhưng đáng nói hơn cả là các địa phương đều kêu khó trong quá trình phân cấp thẩm quyền cấp phép tu bổ di tích hiện nay. Điều này dẫn tới các di tích xuống cấp đang phải xếp hàng chờ đợi quá lâu mới được “rót” kinh phí tôn tạo. Thực tế này đang ngay tại Thủ đô Hà Nội, và cũng đã được Báo Đại Đoàn Kết đề cập nhiều lần.

Đại diện Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, đến nay Cục Di sản văn hóa mới tổ chức đánh giá lại hoạt động trùng tu tôn tạo di tích là… hơi chậm. Theo đó, phố cổ Hội An tuy là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nhưng có tới hơn 83% nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân.

Khi một ngôi nhà cổ xuống cấp mà yêu cầu chủ nhân của nó phải thực hiện đầy đủ theo Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, phải xin phép qua nhiều cửa mới được phép sửa chữa ngôi nhà của mình thì họ rất nản. Chính vì thế, trong vòng 3 năm qua, số lượng nhà cổ xuống cấp được tu sửa ở Hội An đang chững lại.

Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại cho rằng, hiện những qui định trong việc tu bổ di tích đang có sự chồng chéo nhau. Đơn cử như NĐ 59-2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng ít nhiều có mâu thuẫn với NĐ 70 về tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa (trong khi NĐ 70 có trước).

Điều này đã khiến công tác tu bổ tôn tạo gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc xác định đâu là dự án, đâu là báo cáo kinh tế kỹ thuật. Điều này đã và đang ảnh hưởng tới việc cấp ngân sách tu bổ di sản. Hơn thế, nếu áp dụng theo Nghị định 59 thì việc tu bổ di tích sẽ được coi như một công trình xây dựng bình thường, chứ không phải là một công trình đặc biệt.

Không riêng gì ông Phan Thanh Hải, có mặt tại Hội nghị trực tuyến vừa rồi đại diện các Sở VHTT&DL nhiều tỉnh thành đều có chung đề xuất: việc cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích theo tinh thần NĐ 61 (có hiệu lực ngày 1/7/0216) giao cho Sở VHTT&DL địa phương là đúng. Nhưng như vậy là chưa đủ mà nên mở rộng thêm các đơn vị chủ quản khác cấp chứng chỉ hành nghề. Đơn cử như tại Huế thì có thể trao quyền thêm cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế hay không?

Ông Nguyễn Thế Hùng- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, tất cả những ý kiến chia sẻ, đóng góp vào qui định hiện hành trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh tại Hội nghị trực tuyến này sẽ được Cục nghiên cứu, xem xét và đề xuất điều chỉnh nếu hợp lý. Nhưng ông Hùng cũng lưu ý rằng những đề xuất phân cấp trao quyền tu bổ di sản cho chính quyền các cấp cũng cần phải nghiên cứu cho thật kỹ.

Tránh tình trạng đến lúc có sự việc xảy ra trên địa bàn mà Sở VHTT&DL các địa phương- đơn vị quản lý ngành dọc không còn quyền gì nữa- đó sẽ lại là điều rất dở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích xếp hàng chờ kinh phí tu bổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO