Đã đi quá nửa đời người, đối với Trần Văn Cường, phú quý, vinh hoa chỉ là phù phiếm. Nửa cuối cuộc đời mình, anh muốn dành tất cả niềm đam mê cho thơ, cho nhạc và trên hết là những dòng hồi tưởng, là nỗi nhớ về nơi đã sinh ra anh.
Từ người lính đến nhà thơ Trần Văn Cường.
Tôi biết Trần Văn Cường ban đầu qua một số bài hát của anh, những ca khúc nặng tình với quê hương Hà Tĩnh. Rồi, như một cái duyên, tôi và anh có dịp gặp nhau. Đó là một buổi sáng những ngày đầu năm 2020, tại một quán cafe nhỏ, yên tĩnh trên đường Kim Liên (Hà Nội). Hà Nội hôm đó trời se lạnh, cộng thêm không khí đầu xuân năm mới lại càng dễ khiến cho những người xa xứ nặng lòng nhớ quê hương. Thực lòng, trước khi gặp anh, tôi có một hình dung rất khác về anh: trong suy nghĩ của tôi, anh là người đàn ông với khuôn mặt nghiêm khắc, vẻ ngoài từng trải, khó gần... và hơi lấy làm lo lắng khi lần đầu gặp mặt mà chủ nhân cuộc hẹn là tôi lại để anh phải chờ đến gần một tiếng đồng hồ giữa thời tiết mưa lạnh. Đang chuẩn bị tinh thần để đón nhận những lời “phê bình” thì anh giơ bàn tay và nở một nụ cười hồn hậu, ấm áp, giản dị bắt tay tôi. Cái bắt tay xã giao nhưng cũng đủ cho tôi có cảm giác yên tâm, thoải mái cho cuộc trò chuyện.
Bên ly trà nóng, chúng tôi bắt đầu câu chuyện với nỗi niềm của những người con xa quê. Bằng giọng nói trầm ấm và gần như giữ nguyên chất giọng Nghệ Tĩnh đặc thù, Trần Văn Cường chia sẻ chân tình những khúc đoạn trong cuộc đời mình. Sinh năm 1960, ở một vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Xã Bồng Sơn quê anh (nay là phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh).
Trần Văn Cường luôn nhớ thời thơ ấu nghèo khó của mình. Những năm 60 của thế kỷ trước, đất nước oằn mình trong làn bom đạn của đế quốc Mỹ. Như bao đứa trẻ khác, Trần Văn Cường lớn lên giữa tiếng bom đạn và nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ cha. Sau này có dịp trò chuyện với một số người bạn của anh, tôi biết thêm thuở nhỏ, Cường là cậu bé thông minh, chăm học, siêng năng, chịu khó…, là tấm gương của các bạn cùng trang lứa.
Hoàn cảnh gia đình đông con và tình hình đất nước có chiến tranh không cho phép anh tiếp tục con đường học hành nên năm 18 tuổi, Trần Văn Cường vào quân ngũ, tham gia chiến đấu ở 2 chiến trường là Chiến tranh Biên giới và cuộc chiến giúp nước bạn Campuchia chống lại nạn diệt chủng Pônpốt. Nhưng với tư chất thông minh cộng với ý chí quyết tâm, táo bạo đã được kinh qua chiến trường, năm 1988, sau khi xuất ngũ, anh bộ đội Trần Văn Cường lại bắt đầu một cuộc hành trình mới, đó là tập trung làm kinh tế. Vừa học hỏi, vừa kiếm kế sinh nhai, anh đã không quản gian nan thử thách, từng làm rất nhiều nghề, từ buôn bán hoa, cây cảnh, làm bột giặt, in lụa, xuất khẩu hàng thủy hải sản sang Nga và các nước Đông Âu… đến kinh doanh bất động sản.
Giờ nghĩ lại, chính anh cũng không lý giải được tại sao ngày đó mình có thể làm được nhiều việc đến như vậy. Và gặp anh, ít ai có thể hình dung nổi, đằng sau vẻ bề ngoài hiền lành, giản dị, thậm chí còn mang dáng dấp của một anh nông dân, Trần Văn Cường lại có sự quyết đoán, táo bạo trọng làm ăn đến thế. Và cũng thật may mắn cho anh, đồng hành cùng với anh từ những ngày đầu lập nghiệp chính là người vợ - người bạn tri kỷ, sẵn sàng cùng anh vượt qua bao gian khó cũng như trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, có những lúc tưởng như gục ngã, buông xuôi bởi thương trường khắc nghiệt. Bất động sản là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nhưng anh thực sự là người biết nhìn xa trông rộng, đi trước đón đầu, nên anh luôn vững tay chèo lái con thuyền sự nghiệp. Trần Văn Cường đã trở thành cái tên không xa lạ trong giới kinh doanh bất động sản thời kỳ đó. Năm 2008, anh vinh dự là một trong những người được phong tặng danh hiệu Doanh nhân thời kỳ Đổi mới.
Khi đã tạo dựng được sự nghiệp cho gia đình, như một người chồng, người cha đã hoàn thành sứ mệnh, anh giao toàn bộ công việc cho vợ và các con quản lý, chỉ âm thầm đứng phía sau ủng hộ và dõi theo bước đường đi của họ.
Đã đi quá nửa đời người, đối với Trần Văn Cường, phú quý, vinh hoa chỉ là phù phiếm. Nửa cuối cuộc đời mình, anh muốn dành tất cả niềm đam mê cho thơ, cho nhạc và trên hết là những dòng hồi tưởng, là nỗi nhớ về nơi đã sinh ra anh.
Rời xa quê hương từ năm 18 tuổi. Đến nay, Trần Văn Cường đã hơn 40 năm xa quê. Thế nhưng trong ký ức của anh, quê hương vẫm luôn hiển hiện; bóng hình xứ sở đã ngấm vào xương, vào thịt. Quê hương luôn là một chuyến đò đợi sẵn để con người ta có thể an yên bước lên, an yên trở về, đặc biệt là khi cuộc ra đi ấy đầy ắp những nhọc nhằn, vất vả. Quê hương trong nỗi nhớ của anh là những chiều chăn trâu cắt cỏ, mò cua, bắt ốc, cấy thuê, mót khoai, mót lạc. Nhớ từ ngôi nhà của cha mẹ, mỗi buổi sáng mùa đông, mẹ dậy thật sớm nhóm lửa luộc nồi khoai, om ấm nước chè xanh. Khói từ những buổi sớm mai ấy cho đến tận bây giờ như cứ bay lởn vởn trong ký ức anh, để rồi đọng lại nơi anh tất cả nỗi nhớ thương. Và rồi anh đã gửi hết vào thơ:
Mưa vẫn rơi thấm lạnh tim người
Tuổi thơ con chập chờn bên bóng mẹ
Khi hơi ấm chỉ còn mùi thơm khói
Mai con đi rồi nước mắt đầy vơi (Mùa Vu lan).
Là doanh nhân mang tâm hồn nghệ sĩ, Trần Văn Cường không đơn thuần chỉ là con người nội tâm giàu cảm xúc, mà hơn hết, anh là con người của hành động. Anh tâm sự, yêu quê, nhớ quê, con tim luôn đau đáu hướng về quê hương nên khi đã có chút của cải, tạo dựng được sự nghiệp, anh luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé giúp cho quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Cũng chính bởi bước chân vào thương trường mà anh lại có điều kiện giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Chính bạn bè, anh em, bà con hàng xóm đã dành cho anh sự cảm phục, ngưỡng mộ và những tình cảm chân thành nhất. Những tình cảm ấy có cội nguồn từ chính cái tấm chân tình anh dành cho quê hương.
Đã hơn 40 năm xa quê, nhưng trong ký ức của Trần Văn Cường, quê hương vẫn luôn hiển hiện, bóng hình xứ sở đã ngấm vào xương, vào thịt. Quê hương luôn là một chuyến đò đợi sẵn để con người ta có thể an yên bước lên, an yên trở về, đặc biệt là khi cuộc ra đi ấy đầy ắp những nhọc nhằn, vất vả…